Giai đoạn 2024 – 2028, các đối tác quốc tế sẽ hỗ trợ nguồn lực giúp Việt Nam triển khai các dự án cụ thể, nhằm hiện thực hóa Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Điểm đặc biệt, khoản tài chính 15,5 tỷ đô la theo JETP sẽ được phân bổ cho các dự án chưa huy động được vốn, chưa được phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn đề xuất ý tưởng.
Khẳng định tuyên bố mạnh mẽ với thế giới
Tại Hội nghị COP28 diễn ra vào đầu tháng 12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã công bố Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố JETP giữa Việt Nam và Nhóm các Đối tác quốc tế (IPG). Sự kiện đánh dấu tròn 1 năm Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) thông qua Tuyên bố JETP vào tháng 12/2022.
6 nhóm dự án ưu tiên sớm triển khai thực hiện từ nay đến năm 2025:
– Nhóm dự án truyền tải lưới điện, bao gồm hỗ trợ phát triển lưới điện và đầu tư lưới điện truyền tải.
– Nhóm dự án pin lưu trữ và nhà máy thủy điện tích năng, bao gồm hỗ trợ hệ thống lưu trữ năng lượng (ESS) và đầu tư vào lưu trữ năng lượng.
– Nhóm dự án phát triển điện gió ngoài khơi, bao gồm hỗ trợ phát triển và đầu tư điện gió ngoài khơi.
– Nhóm dự án về hiệu quả năng lượng, bao gồm hỗ trợ tiết kiệm năng lượng, giảm nhu cầu điện và dự án đầu tư tiết kiệm năng lượng.
– Nhóm dự án về điện mặt trời, bao gồm hỗ trợ phát triển và đầu tư điện mặt trời.
– Nhóm dự án về chuyển đổi nhà máy điện than bao gồm hỗ trợ, đầu tư để cải thiện tính linh hoạt (tăng hiệu quả vận hành nhà máy điện, giảm tiêu thụ dầu khi được yêu cầu vận hành ở phụ tải thấp) và nghiên cứu công nghệ chuyển đổi phù hợp với các nhà máy nhiệt điện đốt than trong nước.
Là quốc gia thứ 3 sau Indonesia và Nam Phi ký kết thực hiện JETP, nhưng đến nay, Việt Nam là quốc gia đầu tiên công bố Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai JETP. Đây được xem là bước đi tiên quyết, quan trọng để khơi thông nguồn tài chính từ JETP và chuyển hóa thành các dự án mang tính đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi năng lượng (CĐNL) công bằng của Việt Nam. Kế hoạch đề ra danh mục các dự án cụ thể để huy động tài chính từ các đối tác IPG, Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng “0” (GFANZ) và các nhà tài trợ khác. Điều này chứng minh, Việt Nam đã sẵn sàng và sẽ tạo điều kiện tốt nhất để tiếp nhận các nguồn lực thực hiện CĐNL công bằng.
Để làm được điều này, trong nhiều tháng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Thư ký JETP cùng Nhóm các đối tác quốc tế đã tiến hành các cuộc tham vấn các bên liên quan, đặc biệt là các bộ, ngành, các tập đoàn, công ty. JETP là vấn đề mới, vừa là vấn đề chính trị, ngoại giao và kinh tế; vừa là mối quan hệ đối tác toàn cầu với mục tiêu CĐNL bảo đảm công bằng, chuyển đổi công nghệ theo hướng chuyển đổi xanh, giảm phát thải, phát triển kinh tế các-bon thấp. Bởi vậy, việc triển khai vừa phải thận trọng vừa phải đảm bảo nắm bắt nhanh các cơ hội hợp tác.
Phát biểu tại Lễ công bố, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: CĐNL công bằng có ý nghĩa quyết định đối với việc đạt được định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam, với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và các mục tiêu phát triển bền vững với tinh thần lấy người dân làm trung tâm. Minh chứng là Việt Nam đã có những bước triển khai rất quyết liệt, mạnh mẽ và đầy tham vọng thời gian qua để đẩy nhanh quá trình này.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bên liên quan nhanh chóng đạt được thỏa thuận để chuyển số tiền cam kết hỗ trợ Việt Nam trị giá 15,5 tỷ USD thành những dự án mang tính đột phá, đẩy nhanh quá trình CĐNL công bằng tại Việt Nam. Lãnh đạo Chính phủ cũng khẳng định cam kết thực hiện cơ chế, chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh; tiếp tục nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và mong các doanh nghiệp tiếp tục đến đầu tư tại Việt Nam. Việt Nam cũng cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài, bảo đảm các doanh nghiệp làm ăn có lợi, phát triển.
Hoàn thiện chính sách và thúc đẩy hành động thực tiễn
Nguồn tài chính của JETP chỉ là một phần nhỏ trong tổng nhu cầu tài chính cho CĐNL giai đoạn đến năm 2030, bởi vậy, các nguồn lực phải được sắp xếp ưu tiên một cách có chiến lược. Kế hoạch huy động thực hiện Tuyên bố JETP được xây dựng trên cơ sở nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đề án triển khai Tuyên bố JETP và đề xuất của các đối tác trong nước và quốc tế.
Các hạng mục ưu tiên ban đầu triển khai ngay từ năm 2024 ngoài đáp ứng các nguyên tắc chung còn phải đóng góp tăng tối đa khả năng giảm phát thải khí nhà kính (KNK). Cụ thể là đảm bảo đạt được các mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2030 theo Tuyên bố JETP, về công suất lắp đặt điện than, công suất phát điện năng lượng tái tạo và lượng phát thải đạt đỉnh trong ngành điện.
Theo Kế hoạch, danh mục các dự án đầu tư gồm 5 nhóm: Thúc đẩy chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh và phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng; CĐNL xanh, giảm phát thải KNK của ngành giao thông vận tải.
Đây là các dự án chưa huy động được vốn, chưa được cấp vốn đầy đủ, chưa được phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn đề xuất. Trong đó, 37 dự án về cơ bản đã được phê duyệt và đưa vào các quy hoạch như Quy hoạch điện VIII, một số dự án đang ở giai đoạn nghiên cứu khả thi, 181 dự án mới ở giai đoạn đề xuất ý tưởng để tiếp cận nguồn tài chính của IPG hoặc GFANZ.
Danh mục các dự án hỗ trợ kỹ thuật gồm 61 dự án, phân theo 3 nhóm: Hoàn thiện thể chế, chính sách thúc đẩy CĐNL; Đổi mới sáng tạo, phát triển và chuyển giao công nghệ; Bảo đảm công bằng trong CĐNL. Một số dự án đã được triển khai từ năm 2023 liên quan tới rà soát, xây dựng chính sách và tăng cường năng lực kiểm kê KNK.
Giai đoạn 2024 – 2028, các hành động chính tập trung cải thiện khung pháp lý trong CĐNL theo đề xuất từ các bộ, ngành và nhóm đối tác quốc tế. Đó là các chính sách liên quan tới chuyển đổi các nhà máy điện than đồng bộ với lộ trình phát triển thị trường các-bon, phát triển ngành năng lượng tái tạo, truyền tải điện và lưu trữ năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả, CĐNL trong giao thông vận tải, đổi mới chuyển giao công nghệ, xây dựng các cơ chế đảm bảo quá trình chuyển đổi công bằng trên cơ sở đánh giá tác động môi trường, xã hội liên quan.
Trên thực tế, Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện JETP có thể xem là một “tài liệu mở”, bởi sẽ tiếp tục được rà soát, điều chỉnh, bổ sung trong quá trình thực hiện từ nay đến 2028. Việc thực hiện thành công CĐNL công bằng sẽ góp phần thực hiện mục tiêu tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch và thực hiện các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.
Khánh Ly – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/chuyen-doi-nang-luong-cong-bang-viet-nam-san-sang-nhap-cuoc-368641.html
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội: Chuẩn bị nguồn lực để áp dụng phân loại rác tại nguồn
Lào Cai: Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã
Bến Tre: Tăng cường bảo vệ môi trường trong dịp Tết
Hành trình khởi tạo môi trường xanh
Hà Nội: Ô nhiễm không khí chạm mức nguy hiểm
Bao bì kẹo cao su và một số đồ uống đóng chai không phải thực hiện tái chế
Đắk Nông: Nhiều chuyển biến tích cực trong thu gom, xử lý rác sinh hoạt
TP. Vị Thanh (Hậu Giang): Hỗ trợ 474 thùng rác cho các hộ dân
TP.HCM: Ra mắt ứng dụng phân loại và thu gom rác tái chế
Đắk Lắk: Làm việc với KOICA về dự án nước thải đô thị
Phiên họp thứ nhất của Đoàn Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Bộ TN&MT ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm