Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ thực hiện chi trả giảm phát thải khí nhà kính thông qua tài khoản ngân hàng, hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho 800 chủ rừng, với số tiền hơn 37 tỷ đồng.
Chiều 14/12, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên – Huế tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch chi trả giảm phát thải khí nhà kính (ERPA) tại tỉnh năm 2023.
Ông Nguyễn Tất Tùng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên -Huế cho biết, thực hiện chi trả ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung cho ngành lâm nghiệp để đầu tư trực tiếp vào rừng, hình thành thị trường carbon trong nước và tham gia thị trường carbon thế giới, giúp gia tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất, chất lượng rừng, giá trị sinh thái của rừng, cải thiện sinh kế bền vững.
Bên cạnh đó, giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về giá trị dịch vụ carbon rừng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của địa phương, chủ rừng. Hơn nữa, thực hiện ERPA sẽ góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu; từ đó, tạo thêm nguồn kinh phí khá lớn phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng. Đây cũng là nguồn kinh phí quan trọng giúp cộng đồng, cá nhân và hộ gia đình cải thiện đời sống, duy trì công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần nâng cao chất lượng rừng và trữ lượng carbon, đóng góp vào mục tiêu giảm phát thải quốc gia và hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu.
“Nguồn chi trả giảm phát thải trở thành nguồn tài chính hết sức có ý nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu định hướng của tỉnh nhà; với tiêu chí tạo nên môi trường tự nhiên xanh, sạch đồng thời góp phần nâng cao đời sống cho bà con ở các huyện miền núi, trong đó góp phần sớm đưa huyện vùng cao A Lưới thoát nghèo”, ông Tùng nói.
Theo đó, căn cứ Quyết định số 641/QĐ-BNN-TCLN ngày 21/02/2023 của Bộ NN&PTNT về Ban hành Kế hoạch chia sẻ lợi ích từ Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ và Kế hoạch số 393/KH-UBND ngày 30/11/2023 của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế về Kế hoạch tài chính năm 2023 nguồn thu từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ tại tỉnh, nguồn thu từ kết quả giảm phát thải được chia làm 3 kỳ tương ứng với thời gian từ năm 2023 đến 2025.
Dựa trên diện tích rừng tự nhiên theo kết quả điều tra, kiểm kê rừng hàng năm và kết quả hấp thụ giảm phát thải của rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh, số tiền quỹ Trung ương điều phối cho tỉnh Thừa Thiên – Huế trong 3 năm (2023 – 2025) là khoảng 5,609 triệu USD (tương đương 131 tỷ đồng). Trong đó, năm 2023 tỉnh được điều phối số tiền hơn 37 tỷ đồng để thực hiện chi trả thông qua tài khoản ngân hàng, hoặc đơn vị cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho 800 chủ rừng, gồm 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng là tổ chức, 58 UBND xã và 10 tổ chức khác có rừng tự nhiên; sau khi trích kinh phí quản lý (5%), số tiền còn lại (95%) thực hiện chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là hơn 35,7 tỷ đồng.
Hội nghị được nghe thảo luận, đưa ra một số giải pháp để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, định hướng triển khai nhằm thực hiện việc chi trả kết quả giảm phát thải hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định; đồng thời tạo tiền đề triển khai thuận lợi, cũng như phát triển các dự án, chương trình tiềm năng về hấp thụ và lưu giữ carbon sau này.
Thừa Thiên – Huế là một trong 6 tỉnh vùng Bắc Trung bộ được tham gia thí điểm ERPA với Ngân hàng Thế giới (WB). Đây là hoạt động chi trả giảm phát thải dựa vào kết quả, tiến tới triển khai toàn diện về dịch vụ môi trường theo quy định…
Toàn tỉnh Thùa Thiên – Huế hiện có 305.560,09 ha đất có rừng (gồm rừng tự nhiên 205.602,31 ha; rừng trồng đã thành rừng 77.148,32 ha; diện tích đã trồng chưa thành rừng 22.809,46 ha). Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đang đạt 57,15 %.
Văn Dinh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/thua-thien-hue-chi-tra-hon-37-ty-dong-giam-phat-thai-khi-nha-kinh-368020.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam