Dự án “Vì tương lai xanh” là dự án thiện nguyện của chùa Long Hưng (Đông Anh – Hà Nội) được thành lập từ ngày 13/7/2023 đã một lần nữa phổ biến đến đông đảo quần chúng, nhân dân thông qua thời khoá Pháp thoại tại chùa diễn ra vào ngày 24/9.
Dự án “Vì tương lai xanh” với sứ mệnh góp phần vào mục tiêu không rác thải vào năm 2050 của Chính phủ, hướng đến thúc đẩy hoạt động sản xuất, tiêu dùng xanh trong cuộc sống hàng ngày, nâng cao nhận thức của cộng đồng qua những hành động thiết thực trong việc bảo vệ môi trường. Đồng thời, Dự án phát động phong trào đổi rác lấy sách. Trong đó, mọi người tham gia cần phải tự phân loại rác thải ở nhà và đem tới chùa để đổi lấy sách và những vật phẩm tái chế cần thiết.
Kể từ ngày thành lập tới nay, chùa Long Hưng đã thu gom được hơn 10.000 chai nhựa, và hơn 2 tấn giấy, bìa carton. Các chai nhựa đều được rửa sạch, giấy bìa đều được vận chuyển về nhà máy để tái chế. Dự định trong tương lai gần, những chiếc chăn bông, áo, quần, túi xách và bút, chậu nhựa, giá kệ, đồ dùng gia đình được sản xuất từ chai nhựa, giấy báo phân loại sẽ được nhà chùa đem từ thiện và đưa vào tiêu dùng thay thế những đồ dùng hiện tại.
Chia sẻ về Dự án, bà Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc điều hành Dự án “Vì tương lai xanh” cho biết, Dự án tập trung vào xây dựng những quỹ thiện nguyện vì môi trường, hướng dẫn người dân thay đổi nhận thức, tư duy về cách phân loại rác tại nguồn và tái chế sử dụng rác, biến rác trở thành tài nguyên.
Hiện nay, việc rác thải thải ra môi trường hầu như chưa được phân loại cụ thể, như việc tất cả rác thải hữu cơ, vô cơ, chất thải rắn đều được thải bỏ chung một chỗ. Điều đó rất khó để xử lý và gây lãng phí tài nguyên đối với những loại rác thải có thể trở lại các vòng đời khác phục vụ hữu ích cho đời sống như nhựa, giấy, bìa carton, lốp cao su,…
Nếu để những loại rác thải hữu cơ như rau củ, quả, trộn lẫn với nhựa thì sẽ gây ra việc lên men cho những loại nhựa, từ đó khó có thể tái chế được. Vì vậy, việc biến rác trở thành tài nguyên chỉ có thể đi với điều kiện chúng ta phân loại rác tại nguồn và làm sạch rác, bởi khi thực hiện tốt việc phân loại rác, sẽ giúp không chỉ các nhà máy xử lý rác thải tiết kiệm được rất nhiều thời gian, mà còn giúp chính người dân hay những người lao động vệ sinh, môi trường tiết kiệm công sức và bảo vệ được sản phẩm tái chế còn nguyên vẹn.
Dự án “Vì tương lai xanh” đang trong quá trình hoạt động và sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình ra từng hộ gia đình, các cụm dân cư trong nhiều phường, xã, huyện TP. Hà Nội như khu vực Phương Trạch, Đông Anh, chùa Long Hưng,… về việc hướng dẫn người dân trong cách phân loại rác, làm sạch rác thải. Đối với những rác thải đã được phân loại là nguy hại hoặc khó xử lý, Dự án sẽ hỗ trợ thu mua lại từ những hộ gia đình và đem đến những đơn vị, cơ sở xử lý rác thải công nghiệp.
Ngoài ra, Dự án còn cung cấp túi rác 3 màu cho người dân sử dụng để phân loại rác (màu xanh cho rác thải hữu cơ, màu đỏ cho rác thải không thể tái sử dụng, màu vàng cho những rác thải có thể tái chế), cùng với đó giúp mọi người thay đổi nhận thức về việc xử lý rác thải, hình thành thói quen bảo vệ môi trường và tạo nên giá trị từ những rác thải có thể mang đi tái chế.
Tại chùa, Dự án “Vì tương lai xanh” đã xây dựng một nhà rác, là nơi mà Dự án nhận các loại rác thải nhựa và tổ chức các đội ngũ phân loại. Trong tương lai, Dự án sẽ hình thành một app về rác thải, liên kết từ các hầm chứa rác để đấu nối qua điện thoại, đội ngũ xử lý rác thải sẽ nhận thông báo trên app và về thu gom tại các địa phương.
Kể về câu chuyện áp dụng thực tế trong việc sử dụng túi rác 3 màu để phân loại rác, bà Thanh Hà cho biết, gia đình bà đã thực hiện phân loại 3 túi rác và khiến người công nhân thu gom rác rất ngạc nhiên và vui mừng vì sự văn minh cũng như giúp người dọn dẹp vệ sinh, môi trường tiết kiệm được rất nhiều thời gian trong việc phân loại rác thải. Đơn cử như khi đi uống cà phê, bà đã tuyên truyền, vận động mọi người không dùng cốc, chai uống một lần mà thay vào đó dùng những chai đựng nước bằng inox, thủy tinh, sứ,… để đựng cà phê, đựng nước, vừa có thể tái chế được, vừa bảo vệ môi trường.
Từ những hành động thiết thực trong Dự án đưa vào đời sống, bà Thanh Hà vui mừng nhận thấy rất nhiều những thay đổi tích cực đang diễn ra ngay trong cộng đồng của mình.
Qua những phản hồi tích cực đó, bà Thanh Hà cùng nhóm Dự án đã tạo dựng nên ngôi nhà “Vì tương lai xanh” ngay trong chùa Long Hưng để cho người dân có thể nhìn thấy, tất cả mọi thứ đều có thể trở thành tài nguyên; vòng đời của sản phẩm, vật liệu sẽ kéo dài hơn và thông qua nhiều hình thức khác nhau trở thành những sản phẩm tái chế hữu ích.
Bà Thanh Hà mong muốn, Dự án có thể tác động đến toàn bộ người dân Việt Nam, mọi người đều có thể triển khai được và triển khai lại một cách đơn giản, bắt đầu từ chính bản thân mình, sau đó mới đến gia đình và những người xung quanh. Bà cũng hy vọng rằng, Dự án này không chỉ có sự đồng hành của Nhà nước, chính quyền địa phương mà còn cần đến sự góp sức thay đổi từ nhận thức của mỗi người dân, từ đó dẫn đến hành động bảo vệ môi trường, đặc biệt trong việc phân loại, tái chế rác thải.
Thụy Khanh – Báo TN&MT
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/nang-cao-nhan-thuc-trong-bao-ve-moi-truong-thong-qua-du-an-vi-tuong-lai-xanh-363556.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam