Ứng phó BĐKH ở Quảng Ninh: Từng bước ổn định cuộc sống người dân

Những năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người dân.

Vì vậy, việc triển khai các giải pháp, mô hình thích nghi để phát triển lâu dài, bền vững giúp người dân ổn định cuộc sống là rất cần thiết. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Trần Như Long – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh để làm rõ những nội dung này.

PV: Thưa ông, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của BĐKH đã tác động đến nhiều mặt, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng dân sinh, tỉnh Quảng Ninh đã có giải pháp gì ứng phó BĐKH?

ông Trần Như Long – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh

Ông Trần Như Long: Quảng Ninh là một trong các tỉnh ven biển của Việt Nam thuộc khu vực nhạy cảm về BĐKH và có tính dễ tổn thương cao trước tác động của nước biển dâng, mưa lớn, bão và áp thấp nhiệt đới. BĐKH tác động mạnh đến nhiều vùng, địa phương của tỉnh, đặc biệt là các khu vực ven biển, trong đó, tác động rõ rệt là gây ngập lụt, lũ quét, sạt lở, xâm nhập mặn, đe dọa đời sống người dân trên địa bàn tỉnh.

Nhận thức được nguy cơ, thách thức của BĐKH tới mục tiêu phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đến công tác ứng phó BĐKH. Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 5535/QĐ-UBND ngày 30/12/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu đánh giá tác động của BĐKH đối với các lĩnh vực để có giải pháp thích ứng, đảm bảo cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Trong đó, tập trung 3 nhóm giải pháp ứng phó BĐKH. Nhóm giải pháp thích ứng với BĐKH, bao gồm các giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực: Tài nguyên nước; Nông nghiệp; Quy hoạch và Đô thị; Khí tượng – Thủy văn; Khoa học và công nghệ; Y tế và sức khỏe cộng đồng; Văn hóa, thể thao và du lịch.

Đối với nhóm giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, gồm các giải pháp: Kiểm kê khí nhà kính và thúc đẩy phát triển thị trường các-bon; Thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo trong công nghiệp, xây dựng và giao thông vận tải.

Còn nhóm giải pháp hỗ trợ ứng phó BĐKH, gồm: Xây dựng cơ sở dữ liệu về BĐKH; Tăng cường cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực và đào tạo lực lượng chuyên nghiệp trong công tác tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, phòng chống thiên tai và BĐKH.

Đến nay, các sở, ngành, địa phương của tỉnh vẫn đang tiếp tục thực hiện các giải pháp ứng phó BĐKH đã được đề ra tại Kế hoạch. Theo đó, đến năm 2030, Quảng Ninh đặt mục tiêu giảm thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó tập trung bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân trước thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét.

PV: Trước những ảnh hưởng của BĐKH, tỉnh đã xây dựng, triển khai mô hình như thế nào để ứng phó BĐKH nhằm bảo vệ cuộc sống của người dân, nhất là ở những vùng có nguy cơ cao?

Ông Trần Như Long: Để ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai do BĐKH trên địa bàn, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều mô hình sinh kế thích ứng với BĐKH ở các vùng nhiều rủi ro thiên tai. Thông qua Kế hoạch thực hiện Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng của tỉnh đã hình thành cho mỗi thành viên trong xã hội ý thức chủ động phòng, tránh thiên tai, thích ứng với BĐKH, giảm dần thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, để đảm bảo sinh kế cho người dân, tỉnh đã hỗ trợ phát triển nhiều mô hình, biện pháp kỹ thuật thích ứng với BĐKH đem lại hiệu quả cao, góp phần ổn định cuộc sống người dân như: Mô hình tưới tiết kiệm nước, trồng rau trong nhà lưới, kỹ thuật ủ phân hữu cơ từ phế phụ phẩm nông nghiệp, sử dụng các sản phẩm trừ sâu thân thiện môi trường. Trong chăn nuôi đã triển khai nhiều mô hình như: Đệm lót sinh học trong chăn nuôi, chăn nuôi gà Tiên Yên an toàn sinh học, chăn nuôi vịt biển thương phẩm an toàn sinh học, nuôi lợn an toàn dịch bệnh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, chăn nuôi gà thương phẩm an toàn sinh học, chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Một góc thành phố Hạ Long (Quảng Ninh). Ảnh: VNExpress

Đối với lĩnh vực thủy sản, đã triển khai trên 250 mô hình nuôi tôm như: công nghệ nuôi Biofloc, nuôi thâm canh, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính, nuôi tôm trong bể nổi tròn, nuôi tôm 2, 3 giai đoạn ít thay nước, nuôi tôm tại TP. Móng Cái áp dụng mô hình CPF-COMBINE.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh triển khai các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả như sử dụng năng lượng mặt trời cho một số thiết bị điện dân dụng tại 2 huyện Vân Đồn, Cô Tô và cho một số điểm tham quan trên vịnh Hạ Long.

PV: Thời gian tới, tỉnh có những giải pháp gì để nâng cao hiệu quả của những mô hình ứng phó BĐKH giúp người dân ổn định cuộc sống, thưa ông?

Ông Trần Như Long: Trước hết, cần tập trung xây dựng năng lực chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với BĐKH cho cộng đồng, nhất là đối với vùng có nguy cơ cao với những giải pháp phù hợp hiệu quả. Trong đó, cần đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH. Tăng cường kiến thức, nâng cao năng lực thích ứng, bảo đảm sinh kế cho người dân những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề của BĐKH, vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai.

Đồng thời, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới thích ứng BĐKH trong xây dựng đô thị, phát triển, sử dụng năng lượng, giao thông, vật liệu xây dựng, thoát nước cũng như chủ động chuẩn bị các phương án, điều kiện phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai phù hợp với từng ngành, lĩnh vực, vùng, miền, nhất là các địa phương ven biển, vùng núi cao, vùng dễ bị tổn thương trước thiên tai. Nâng cao năng lực tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống dịch bệnh, chú trọng chăm sóc sức khoẻ nhân dân trong các vùng bị tác động mạnh của BĐKH.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Hoạch – Báo TN&MT

Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/ung-pho-bdkh-o-quang-ninh-tung-buoc-on-dinh-cuoc-song-nguoi-dan-362030.html

Tin cùng chuyên mục: