Nhà máy xử lý rác thải không thể đưa vào hoạt động, khiến đầm nước mặn Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) trở thành bể chứa rác thải khổng lồ với túi ni lông, phao xốp, bao bì, xác động vật, chai lọ…. Đầm nước mặn nay thành “đầm rác” là nỗi ám ảnh của người dân trong nhiều năm qua.
Rác lấp kín đầm nước mặn
Đầm nước mặn Sa Huỳnh (tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) có diện tích mặt nước rộng hàng trăm ha được nhiều hộ dân làm nơi nuôi trồng thủy sản để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, trong 5 năm trở lại đây, khu đầm này đang trong tình trạng cảnh báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra.
Theo người dân địa phương, tình trạng rác thải ngưng trệ ùn ứ tại phường Phổ Thạnh bắt đầu từ năm 2018 khi người dân địa phương cản trở phản đối nhà máy rác hoạt động gần khu dân cư. Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi đã thanh tra, chỉ ra các sai phạm tại dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đức Phổ (nay là thị xã Đức Phổ) vào tháng 2/2019, nhưng chính quyền các cấp vẫn chưa chỉ đạo xử lý dứt điểm những tồn tại nên rác thải vẫn ùn đọng.
Theo ghi nhận của PV, những ngày qua thời tiết ở Quảng Ngãi những ngày qua nắng nóng gay gắt, đầm nước mặn Sa Huỳnh đang vào mùa cạn nước, mùi hôi của bùn, sình và mùi hôi thối nồng nặc từ hàng trăm loại rác thải trên mặt đầm nước bốc lên khiến người dân sống ở quanh khu vực này rơi vào cảnh khốn khổ.
Bà Trần Thị Đào (trú tổ dân phố Thạnh Đức 1) cho biết, suốt 5 năm qua do không có nhà máy thu gom nên người dân mới vứt rác bừa bãi như vậy. Mùa mưa, nước đầm dâng cao, một lượng rác thải đã trôi thẳng ra biển. Còn mùa kiệt nước, rác thải không thoát ra biển được nên chất đống ở mặt đầm và cứ thế lượng rác ùn ứ theo năm tháng.
“Mỗi khi gió thổi vào, cả nhà bà phải đóng cửa, bịt kín mũi vì không chịu nổi mùi hôi. Nếu không sớm xử lý lượng rác này, lo ngại rằng sẽ ảnh hưởng đến mạch nước ngầm và nguy cơ mắc phải bệnh tật rất cao. Điều đó khiến nhiều người lo lắng,” bà Đào bộc bạch.
Ô nhiễm nghiên trọng nên người dân sống gần đầm nước mặn Sa Huỳnh không còn sử dụng nước giếng khoan, mà đi mua nước ở nơi khác về tắm giặt, nấu ăn. Ông Võ Cúc (trú tổ dân phố Thạnh Đức 1) bức xúc: “Rác thải bủa vây khiến nguồn nước trong đầm bị ô nhiễm nặng nề, buộc người dân nơi đây đã phải bỏ hẳn không sử dụng giếng khoan mà phải “cắn răng” đi mua nước ở nơi khác về để ăn uống và sinh hoạt…”.
Đâu là giải pháp?
Trao đổi với PV, ông Đỗ Tâm Hiển, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết, tình trạng ô nhiễm ở đầm nước mặn Sa Huỳnh đang ở mức rất nghiêm trọng. Việc người dân ngăn cản, không cho Nhà máy xử lý chất thải rắn huyện Đức Phổ đi hoạt động và thanh tra cũng phát hiện những sai phạm của nhà máy này đã gây nhiều khó khăn cho công tác xử lý rác, bảo vệ môi trường tại địa phương. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện các bước tiếp theo sau khi có kết luận thanh tra.
Trước mắt, để ngăn chặn rác thải tiếp tục được vứt ra đầm nước mặn Sa Huỳnh làm ô nhiễm trầm trọng hơn, UBND thị xã Đức Phổ sẽ tổ chức xe rác đến vận chuyển rác sinh hoạt trong dân đến bãi rác tạm thời để đốt. Những rác thải nào có thể ép được sẽ vận chuyển đến bãi rác của thị xã Đức Phổ xử lý. Để giải quyết bãi rác phủ kín ở đầm Sa Huỳnh, UBND phường Phổ Thạnh sẽ thành lập tổ dọn rác đầm nước mặn Sa Huỳnh, do đoàn viên thanh niên địa phương làm nòng cốt. Cuối tuần sẽ dùng thuyền, thúng đi vớt dần lượng rác thải đang có trên đầm.
“Về lâu dài, thị xã Đức Phổ đã chủ động xây dựng dự án Khu liên hợp xử lý rác của thị xã tại xã Phổ Nhơn. Hiện nay đang thực hiện các thủ tục đánh giá tác động môi trường. Sau khi hoàn thiện các thủ tục, dự án được phê duyệt, đầu tư hoàn thành xây dựng khu xử lý rác thải ở Phổ Nhơn sẽ góp phần xử lý dứt điểm rác thải tồn đọng tại các địa phương của thị xã trong nhiều năm qua” – ông Hiển nói.
Lan Anh – Báo TN&MT
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam