Đừng để đồng ruộng trắng ni lông

Tình trạng nông dân nhiều địa phương ở Hải Dương dùng ni lông quây ruộng để ngăn chuột cắn phá lúa dường như ngày càng trở nên phổ biến.


Tình trạng nông dân ở Hải Dương sử dụng ni lông quây ruộng ngăn chuột phá hoại lúa diễn ra phổ biến

Vừa kết thúc gieo cấy vụ mùa 2023, trên khắp cánh đồng thuộc các huyện Tứ Kỳ, Gia Lộc, Ninh Giang, Nam Sách… trắng xoá ni lông quây ruộng để ngăn chuột cắn phá lúa. Một số nông dân ở huyện Tứ Kỳ thậm chí còn dùng cả những tấm tôn ghép lại với nhau để quây xung quanh ruộng.

Biện pháp trên hạn chế được tình trạng chuột cắn phá lúa nhưng lại gây tốn kém và ảnh hưởng tới sản xuất, môi trường. Nông dân các địa phương trên thường sử dụng khoảng 2 kg ni lông, trị giá 100.000 đồng để quây 1 sào ruộng. Nếu mua tôn để quây ruộng thì số tiền này còn cao hơn nhiều. Đáng quan tâm là việc sử dụng ni lông hay tôn để quây ruộng đều gây ảnh hưởng tới việc điều tiết nước trong khi hầu hết các giai đoạn phát triển của cây lúa đều cần nước.

Ở nhiều nơi, chuột cắn cả ni lông để chui vào ruộng tàn phá lúa. Do đó, thường chỉ sau 1-2 vụ, nông dân lại phải thay loạt ni lông mới. Ni lông hư hỏng, không còn giá trị sử dụng sẽ bị đem đốt hoặc vứt bỏ ngay tại đồng ruộng rất khó phân hủy và gây ô nhiễm môi trường.

Tình trạng nông dân dùng ni lông quây ruộng diễn ra phổ biến đã cho thấy các biện pháp diệt chuột mà nhiều địa phương trong tỉnh đang áp dụng dường như không còn đem lại nhiều hiệu quả như trước. Tại một số nơi, chuột dường như đã “nhờn” với phương pháp dùng mồi thóc trộn với thuốc. Việc giao khoán công tác diệt chuột cho hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp hoặc các đoàn thể hoặc thôn, khu dân cư ở địa phương chưa thực sự phát huy hết được vai trò, sự chủ động, trách nhiệm của các tập thể và cá nhân nên kết quả mang lại chưa được như mong muốn. Phong trào diệt chuột trong nhân dân còn nhỏ lẻ, tự phát. Chiến dịch diệt chuột do các địa phương phát động chưa nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp nhân dân, nhất là trong bối cảnh hầu hết thanh niên ở các địa phương đã thoát ly hoặc đi làm trong các doanh nghiệp với thu nhập tốt hơn. Kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm diệt chuột của nông dân còn ít, phương thức diệt chuột cũ đã lạc hậu, chưa tìm ra cách ứng phó mới để hạn chế chuột cắn phá lúa…

Một số ít địa phương trong tỉnh đã bắt đầu thay đổi tư duy, cách làm theo hướng thuê các đội diệt chuột chuyên nghiệp và bước đầu cho thấy hiệu quả rõ rệt. Từ vụ chiêm xuân năm 2023 đến nay, xã Thái Tân (Nam Sách) họp bàn, thống nhất với nông dân thuê một doanh nghiệp diệt chuột trên 100% diện tích cấy lúa với giá 80.000 đồng/sào/vụ. Nông dân không phải quây ni lông ngăn chuột, đổi lại doanh nghiệp sẽ đền bù thiệt hại nếu chuột cắn phá lúa theo hợp đồng. Vụ chiêm xuân vừa qua, lần đầu tiên sau nhiều năm, trên các cánh đồng lúa ở xã Thái Tân không còn cảnh trắng xoá một màu ni lông quây ruộng, diện tích lúa bị chuột cắn phá rất ít. Tương tự, xã An Thanh (Tứ Kỳ) cũng phối hợp với một doanh nghiệp làm điểm mô hình diệt chuột trên diện tích 33ha từ vụ chiêm xuân 2023. Kết quả mang lại rất khả quan khi lúa được bảo vệ tốt, bảo đảm năng suất, nông dân không phải đầu tư thêm chi phí mua ni lông quây ruộng.

Hàng chục năm về trước khi các phương thức diệt chuột chưa tiến bộ như ngày nay, hầu hết các địa phương đều duy trì được phong trào diệt chuột trong nông dân. Nếu tái khởi động phong trào này, tổ chức một cách thường xuyên và kết hợp những phương thức diệt chuột mới chắc chắn nạn chuột cắn phá lúa, hoa màu sẽ giảm, nông dân cũng không phải tốn chi phí mua ni lông quây ruộng.

BÌNH MINH –  Báo Hải Dương
Link nguồn: https://baohaiduong.vn/goc-nhin/dung-de-dong-ruong-trang-ni-long-240974

Tin cùng chuyên mục: