Quảng Ninh: Ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững

Ở vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, đối ngoại với bờ biển dài 250 km, tỉnh Quảng Ninh đã có những giải pháp nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xác định rõ mục tiêu đi đôi với hoàn thiện thể chế

Tỉnh Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Tỉnh có diện tích đất liền 6.206,9 km2 và trên 6.000 km2 mặt biển, bờ biển dài 250 km và 2.777 hòn đảo (chiếm 2/3 số đảo của cả nước)…với vùng biển rộng lớn cung cấp nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng, độc đáo với nguồn lợi thủy sản dồi dào, có trữ lượng điện gió ngoài khơi thuộc loại lớn nhất cả nước, nguồn khoáng sản than, khoáng sản vật liệu xây dựng… đã và đang là nguồn lực quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh.

Một trong những định hướng phát triển giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030 của Quảng Ninh là chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập… đi đôi với nhiệm vụ: Phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; trong đó: Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Trạm quan trắc môi trường tự đồng tại khu vực Cẩm Phả

Thời gian qua, công tác quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt.

Nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đã được nâng lên rõ rệt. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật tiếp tục được hoàn thiện. Môi trường của tỉnh Quảng Ninh ngày càng được cải thiện, mức độ ô nhiễm môi trường ở nhiều khu vực được kiểm soát, việc thu gom xử lý rác thải, nước thải tập trung tại các trung tâm đô thị có nhiều chuyển biến tích cực; ô nhiễm môi trường không khí đã được kiểm soát chặt chẽ hơn thông qua hệ thống quan trắc môi trường tự động; các vụ việc gây ô nhiễm môi trường được phản ánh qua hệ thống đường dây nóng, truyền thông, dư luận, kiến nghị cử tri, người dân được các cơ quan, ban ngành, địa phương tiếp nhận, giải quyết kịp thời; phong trào Giảm thiểu rác thải nhựa đã nhận được sự đồng tình và hưởng ứng tích cực của người dân, các đơn vị, doanh nghiệp. Công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu được nâng cao phong phú về hình thức, thiết thực về nội dung.

Trên địa bàn tỉnh không còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, không còn điểm ô nhiễm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật. Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường được tăng cường, đảm bảo theo quy định pháp luật.

Đến nay, một số chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt so với kế hoạch: Tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý; Tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước – 83 – hợp vệ sinh; Tỷ lệ che phủ rừng; Tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động.

Các giải pháp đồng bộ, có trọng tâm

Ông Trần Như Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng cường tập trung nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Ngân sách nhà nước được bố trí tăng hàng năm, đảm bảo không dưới 3% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp môi trường, cao hơn mức quy định của Trung ương là không dưới 1% tổng chi ngân sách địa phương. Các doanh nghiệp đã chủ động bố trí kinh phí đầu tư các hạng mục giám sát quan trắc tự động; thu gom, xử lý chất thải, cải tạo, phục hồi môi trường; chủ động trang sắm trang thiết bị, đổi mới công nghệ sản xuất thân thiện môi trường…

Công tác xã hội hóa lĩnh vực môi trường được thúc đẩy, nhiều mô hình cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường được phát triển. Trong 5 năm qua, tỉnh xúc tiến thành công các nguồn vốn hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong đó Nhật Bản vẫn là đối tác cung cấp ODA nhiều nhất thông qua việc tài trợ, hỗ trợ thực hiện các dự án. Nhờ có các nguồn lực nêu trên, tỉnh Quảng Ninh đã giải quyết một số vấn đề môi trường đáp ứng nhu cầu về phát triển kinh tế xã hội bền vững của tỉnh.

Xây dựng và bảo vệ môi trường sinh thái biển thông qua thả cá giống xuống Vịnh Hạ Long

Những nỗ lực, cố gắng đã được ghi nhận vào năm 2019 và năm 2020 vừa qua – Chỉ số Quản trị môi trường của tỉnh Quảng Ninh (bao gồm 3 chỉ số thành phần: Nghiêm túc trong bảo vệ môi trường, Chất lượng không khí và Chất lượng nước) đạt lần lượt 4,75 và 4,96 điểm đứng thứ 2/63 tỉnh thành phố“- ông Trần Như Long chia sẻ.

Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được tăng cường, cơ bản chấm dứt tình trạng khai thác, vận chuyển và chế biến kinh doanh than trái phép; hoạt động khai thác đá, sét, cát, nạo vét luồng lạch thu hồi khoáng sản đi vào nền nếp, được kiểm soát chặt chẽ; thực hiện lộ trình dừng hoạt động các mỏ khai – 84 – thác cát, đá, sét theo quy hoạch. Quy hoạch, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước, bảo đảm an ninh nguồn nước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững…

Công tác bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản, bước đầu ngăn chặn tình trạng đánh bắt tận diệt thủy hải sản trên địa bàn toàn tỉnh, cấm khai thác thủy hải sản trong vùng lõi vịnh Hạ Long. Công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn do bão, lũ lụt, sạt lở đất gây ra, đã được thực hiện chủ động, tích cực góp phần hạn chế tối đa thiệt hại về người và của… Hoàn thành di dời 550 hộ dân ra khỏi các khu vực sạt lở, vùng nguy hiểm; hệ thống đê điều ven biển được tu bổ, nâng cấp; các diện tích rừng ngập mặn bảo vệ, mạng lưới khí tượng thủy văn chuyên dùng trên toàn tỉnh đã được triển khai đầu tư góp phần chủ động trong công tác cảnh báo thiên tai.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, tỉnh Quảng Ninh xác định một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể:

Thứ nhất, việc chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng bền vững còn chậm so với yêu cầu. Công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản còn nhiều thách thức. Hiệu quả thu gom, xử lý rác thải và nước thải sinh hoạt tại các đô thị chưa đạt yêu cầu. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai có mặt còn hạn chế….

Thứ hai, tốc độ đô thị hóa nhanh cũng góp phần gây áp lực lớn về các vấn đề môi trường trên địa bàn tỉnh, cụ thể: Tỷ lệ đô thị hóa tỉnh 66,96%, là một trong những địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất cả nước (sau TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đà Nẵng, Cần Thơ), cao hơn so với trung bình các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng (40,43%) và so với trung bình cả nước (35,74%).

Thứ ba, một số chỉ tiêu về bảo vệ môi trường chưa đạt như tỷ lệ chất thải rắn (CTR) sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; tỷ lệ huyện, thị xã, thành phố có khu xử lý CTR đảm bảo hợp vệ sinh; tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch… Một số bãi rác tự phát tồn tại từ lâu vẫn tiếp nhận rác chôn lấp trong bối cảnh các công trình xử lý đang được hoàn thiện, sử dụng; việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên còn một số bất cập, công nghệ khai thác chưa thân thiện với môi trường, lượng chất thải chưa được tái sử dụng hiệu quả; Một số loại tài nguyên năng lượng tái tạo có tiềm năng (gió, thủy triều, năng lượng mặt trời) chậm được nghiên cứu phát triển cho phù hợp và tương xứng với sự chuyển đổi nền kinh tế “nâu sang xanh”…

Một trong những nguyên nhân được cho là do Quảng Ninh chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu. Các diễn biến môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tài và dịch bệnh ngày càng phức tạp, khó lường. Các vấn đề môi trường phi truyền thống gia tăng.

Cùng với đó, hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường còn có chồng chéo và bất cập; các công cụ quản lý môi trường chưa phát huy hết hiệu lực, hiệu quả; cách tiếp cận và cộng cụ quản lý mới chưa được thể chế hóa kịp thời và không theo kịp với những diễn biến nhanh của các vấn đề môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế.

Về nguyên nhân chủ quan, công tác quy hoạch, lập kế hoạch trong quản lý, khai thác và sử dụng một số loại tài nguyên thiên nhiên còn bất cập và xung đột với các ngành khác và tiềm ẩn một số nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững. Công tác dự báo, cảnh báo phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường của cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường còn gặp khó khăn. Cùng với đó, một số cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao chưa được di dời khỏi các khu dân cư, đô thị; việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác quản lý tài nguyên, môi trường còn chậm…

Để ứng phó với biến đổi khí hậu, Quảng Ninh xác định sẽ đẩy mạnh công tác thể chế hóa các định hướng, chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước; kiên định với quan điểm không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá trong tất cả các cấp, các ngành, các công đoạn của quá trình hoạch định, điều hành chính sách, phê duyệt các dự án đầu tư.

Hệ thống vật liệu bền vững phục vụ nuôi trồng thủy hải sản trên Vịnh Hạ Long

Đồng thời, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với thúc đẩy, phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là cách tiếp cận phù hợp để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh; gắn kết chặt chẽ các mục tiêu, nhiệm vụ quản lý tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu với các phương hướng, định hướng về kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, an ninh – quốc phòng, đối ngoại mang lại hiệu quả tích cực và bền vững; thiết lập hệ thống thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường đồng bộ; thường xuyên thực hiện kiểm kê, đánh giá nguồn vốn tự nhiên, hạch toán tài nguyên thiên nhiên, môi trường là cơ sở để hỗ trợ cho việc đưa ra các quyết định đúng đắn, phù hợp.

Đặt công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển; môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người, mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

Ngoài ra, thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tích cực tham gia công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực ngoài Nhà nước, các nguồn lực từ hợp tác quốc tế cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thu Hường – Báo Công Thương
Link nguồn: https://congthuong.vn/quang-ninh-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-dam-bao-phat-trien-kinh-te-ben-vung-258778.html

Tin cùng chuyên mục: