Xử lý ô nhiễm môi trường: Khó cũng phải làm

Bình Phước là tỉnh có địa bàn rộng và đang trên đà phát triển với nhiều khu đô thị tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh hoạt động. Sản xuất phát triển, ngoài lợi ích kinh tế thì người dân, hệ sinh thái đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do rác thải, nước thải và khí thải gây ra. Đây là vấn đề toàn xã hội quan tâm, mong muốn sớm có lời giải một cách căn cơ, đồng bộ và bền vững.

Bài 1:
GIAN NAN RÁC THẢI SINH HOẠT

Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh có hơn 500 tấn rác thải sinh hoạt, chủ yếu phát sinh từ khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Lượng rác thải này do địa phương hợp đồng với các đội quản lý đô thị thu gom, vận chuyển đến các bãi tập kết rác tập trung để xử lý. Điều đáng nói là với khối lượng rác thải khổng lồ nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh mới có duy nhất nhà máy xử lý rác tại TP. Đồng Xoài, số còn lại là chôn lấp, đốt hoặc để lộ thiên gây quá tải, ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan khu dân cư.

Bãi rác Long Hà “kêu cứu”

Nhiều năm qua, cuộc sống người dân thôn 2 và một số hộ lân cận của xã Long Hà, huyện Phú Riềng bị đảo lộn bởi bãi tập kết rác của địa phương. Diện tích chật hẹp, bố trí gần khu dân cư cùng với ý thức người dân chưa cao đã khiến không khí ô nhiễm nặng, ruồi, muỗi xuất hiện quanh năm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống, sức khỏe người dân.

Mỗi ngày, bãi rác xã Long Hà tiếp nhận 1 xe tải chở rác thải sinh hoạt từ chợ và các thôn trên địa bàn xã. Rác cứ thế chồng chất ngày một nhiều, trong khi nơi đây chưa có nhà máy xử lý mà chủ yếu là thực hiện đốt, múc lên thành đống và lan ra diện rộng. Những ngày mưa lầy lội, người dân không vào được bãi lại vứt rác tràn ra đường, lấn chiếm lối đi. Ô nhiễm môi trường cứ thế nhân lên.

“Tôi đã đến nhiều bãi rác, bãi nào cũng gọn gàng, vì người dân đổ đúng quy định. Còn ở bãi rác xã Long Hà, người dân mang ra vứt ngay giữa đường khiến người này đi bị té, người khác đi bị ngã vì rác” – bà Hoàng Thị Sắc, ngụ xã Long Tân, người từng lượm ve chai nhiều nơi trên địa bàn huyện Phú Riềng cho biết.

Vị trí bãi rác ngay ở ngã ba đường nên mỗi ngày có hàng trăm người dân, phương tiện qua lại phải hứng chịu, nhất là các hộ dân thường xuyên đi cạo, trút mủ cao su. Ngoài mùi hôi thối còn tiềm ẩn nguy hiểm bởi các chất thải đủ loại, nhất là vật thải sắc nhọn. “Mỗi lần mưa xuống thì ruồi, nhặng rất nhiều. Mùa nắng đốt rác bốc khói bay vào nhà rất khó chịu. Vì vậy, các cấp chính quyền nên xem xét, giải quyết vấn đề này, dời bãi rác ra xa, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân” – Trưởng ban Công tác mặt trận thôn 2, xã Long Hà Điểu Kia kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND xã Long Hà Lê Văn Toàn cho biết, do không có quỹ đất công nên trước đây xã dùng ngân sách để mua khu đất khoảng 3 sào ở cuối thôn 2 làm nơi tập kết rác. Lúc đầu xa khu dân cư, tuy nhiên sau này hệ thống giao thông phát triển, mở rộng, dân số tăng và sinh sống giãn ra gần bãi rác nên ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, nhằm đảm bảo sức khỏe, nâng chất lượng cuộc sống người dân, lãnh đạo xã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét bố trí quỹ đất ở xa làm bãi rác tập trung.

Quá tải ở bãi rác Phước Long

Với diện tích chỉ hơn 1,7 ha nhưng phải gồng gánh gần 50 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày. Đó là thực trạng tại bãi rác TX. Phước Long. Điều đáng nói là rác được tập kết với số lượng rất lớn nhưng chưa có giải pháp xử lý dẫn đến quá tải, chất thành núi hàng chục năm nay.

Vị trí bãi rác TX. Phước Long đặt tại khu phố 5, phường Thác Mơ với diện tích 17.200m2. Giám đốc Xí nghiệp Công trình đô thị TX. Phước Long Trần Quốc Doanh cho biết: Đất sử dụng làm bãi rác không phải đất công mà mượn tạm của Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ từ năm 1993. Thời gian đầu, do dân số ít, lượng rác thải chưa nhiều nên mỗi ngày chỉ từ 1-2 xe rác tập kết thì nay tăng lên 16 xe với khối lượng khoảng 50 tấn. Trong khi đó, nhiều năm qua địa phương chưa có nhà máy xử lý rác mà chủ yếu là đốt thủ công khi rác khô, kết hợp san ủi, lấp và thuê máy múc gom lên thành đống cao. Và cứ thế theo thời gian, rác chất thành núi cao ngất, có dãy nay cỏ cây đã mọc xanh.

Bãi rác thị xã Phước Long chất thành núi, quá tải nhiều năm nhưng chưa có phương án xử lý

Bà Huỳnh Thị Tuyết, người hơn 20 năm lượm ve chai ở bãi rác Phước Long chia sẻ: Trước đây, bãi rác rộng nên làm thoải mái lắm vì rác ít, nhưng càng ngày rác tập kết càng nhiều dẫn đến quá tải, rất khó xoay xở. Không chỉ thế, tuyến đường vào bãi rác vốn đã rất xấu thì nay lại thu hẹp khiến việc lưu thông càng khó khăn, vất vả hơn.

Theo ghi nhận của phóng viên, lượng rác thải tập kết vào đây quá nhiều so với sức chứa của khu đất. Vì thế, để chứa thêm rác, Xí nghiệp Công trình đô thị TX. Phước Long buộc phải thuê máy múc chất thành đống cao, dài không thua một dãy núi.

Do nằm khá xa khu dân cư nên bãi rác chưa gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống nhưng tương lai về chất đất, nguồn nước ngầm ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, diện tích quá hẹp gây khó khăn cho công tác tập kết, xử lý rác của xí nghiệp. “Do lượng rác tập kết quá nhiều, trong khi sức chứa có hạn nên cứ 10-15 ngày chúng tôi phải thuê máy đến múc, ủi. Tần suất, số lượng thuê ngày một nhiều, giá thuê tăng theo thị trường, trong khi đó, kinh phí có hạn nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động của đơn vị” – ông Doanh giãi bày.

Theo ông Doanh, hiện lãnh đạo UBND TX. Phước Long như “ngồi trên ghế nóng”, bởi rác thải không có chỗ chứa mà địa phương lại không còn quỹ đất công, chờ khu vực xử lý rác tập trung của tỉnh thì không biết đến bao giờ. Phương án khả thi nhất hiện nay là thương lượng với Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ cho mượn khu đất 5 ha bên cạnh để mở rộng diện tích bãi rác.

Cần sớm xây dựng nhà máy xử lý rác 

Vấn đề quá tải, ô nhiễm từ bãi tập kết rác ở xã Long Hà (huyện Phú Riềng) hay TX. Phước Long cũng là câu chuyện thường trực ở một số địa phương trong tỉnh. Và không chỉ bãi rác tập trung mà khu tập kết trung chuyển rác cũng đang là bài toán khó chưa có lời giải. Đơn cử như tại một số địa điểm của TP. Đồng Xoài, việc tập kết rác thực hiện tạm ở khu vực đông dân cư khiến người dân bức xúc, kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Nguyên nhân phần lớn là do không còn quỹ đất công để quy hoạch mở rộng hoặc di dời bãi rác mới. Đây là vấn đề nhức nhối cần được các ngành chức năng quan tâm vào cuộc.

Toàn tỉnh chỉ có Nhà máy xử lý rác tại Đồng Xoài nhưng đang trong tình trạng quá tải vì công nghệ xuống cấp, lượng rác nhiều

Mỗi ngày, trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 650 tấn rác thải sinh hoạt, được thu gom bởi các đội quản lý công trình đô thị. Toàn tỉnh hiện có Nhà máy xử lý rác thải rắn sinh hoạt Đồng Xoài, thuộc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ môi trường Bình Phước xử lý rác khu vực Đồng Xoài và vùng lân cận. Đối với các huyện, thị xã còn lại thì rác thải được tập kết tại bãi rác tập trung của địa phương. Phần lớn các điểm tập kết rác thải sinh hoạt này chưa được bố trí hợp lý đã làm phát sinh mùi hôi thối khó chịu. Trong khi đó, việc xử lý rác thải tập trung chủ yếu đốt và chôn lấp dẫn đến nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường xung quanh.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường
VÕ VĂN DINH

Để khắc phục những vấn đề bất cập trong xử lý chất thải rắn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 21-10-2022 về phát triển các nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn tỉnh Bình Phước đến năm 2030. Trong đó, dự kiến 5 vị trí cụ thể xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung theo mô hình khu liên hợp xử lý, công suất từ 100-500 tấn/ngày, công nghệ xử lý là làm phân bón và đốt rác để phát điện.

Vũ Thuyên – Báo Bình Phước
Link nguồn: https://baobinhphuoc.com.vn/news/90/144495/xu-ly-o-nhiem-moi-truong-kho-cung-phai-lam

Tin cùng chuyên mục: