Cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung là một trong những mục tiêu quan trọng trong Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Nước thực sự là yếu tố lớn nhất quyết định tới mục tiêu và chỉ tiêu trong Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, ứng phó với Biến đổi khí hậu. Cuộc khủng hoảng nước và vệ sinh môi trường hiện hữu ngày nay là mối đe dọa, rủi ro rất lớn trong cuộc sống con người. Dân số ngày càng tăng, nông nghiệp và công nghiệp ngày càng sử dụng nhiều nước hơn và biến đổi khí hậu càng trở nên tồi tệ hơn.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến, Việt Nam luôn xác định “nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước” và vì vậy, Hiến pháp quy định “nước là tài sản”.
Trong thời gian qua, Việt Nam luôn nỗ lực tăng cường và kiện toàn, ban hành nhiều thể chế, chính sách trong lĩnh vực tài nguyên nước. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 36-KL/TW về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ cũng tăng cường công tác triển khai các hoạt động hướng đến đảm bảo an ninh nguồn nước; cải tạo, phục hồi các dòng sông suy thoái cạn kiệt, ô nhiễm; khai thác sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước phải phù hợp với chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.
Tăng cường các giải pháp dựa vào thiên nhiên đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực và nguồn nước, sinh kế người dân, quản lý hiệu quả các khu bảo tồn thiên nhiên. Phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo tồn hiệu quả các loài và nguồn gen, đặc biệt áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên để giảm nhẹ tác động từ sự phát triển kinh tế – xã hội tới các hệ sinh thái…
Ngày 27/12/2022, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia lần đầu tiên tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo ra những đột phá trong công tác cải tạo, phục hồi các dòng sông ô nhiễm ở đô thị.
Theo đó, một trong những mục tiêu quan trọng của quy hoạch là “cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội theo hướng xã hội hóa, đặc biệt là trên dòng chính sông Hồng, sông Cả, sông Vu Gia – Thu Bồn và sông Ba.
Đến năm 2030, chúng ta phải hoàn thành việc lập, công bố hành lang bảo vệ nguồn nước, đảm bảo lưu thông dòng chảy, phòng, chống sạt, lở bờ, bãi sông, giảm thiểu tác hại do nước gây ra.
Quy hoạch cũng đề ra kế hoạch cải thiện, phục hồi hàng loạt dòng sông, đoạn sông bị suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm có vai trò quan trọng trong việc cấp nước, duy trì bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh. Ưu tiên thực hiện đối với sông Cầu, sông Ngũ Huyện Khê, sông Nhuệ, sông Đáy, sông Bắc Hưng Hải thuộc vùng đồng bằng sông Hồng; sông Vu Gia, hạ lưu sông Trà Khúc sau đập Thạch Nham thuộc vùng duyên hải miền Trung; thượng lưu sông Ba sau đập An Khê thuộc vùng Tây Nguyên và khu vực hạ lưu sông Đồng Nai thuộc vùng Đông Nam Bộ.
“Chính phủ cũng đặt ra yêu cầu đổi mới, kiện toàn các Ủy ban lưu vực sông, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp trong quy hoạch đồng bộ. Và như vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai với những dòng sông trong lành làm đẹp cảnh quan đồng thời mang lại nguồn nước cho hoạt động sinh hoạt và sản xuất” – Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Nguyễn Minh Khuyến nhận định.
Liên quan đến vấn đề này, TS. Hoàng Văn Thắng – nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu “hồi sinh” các dòng sông bị ô nhiễm trong Quy hoạch tài nguyên nước đòi hỏi triển khai các giải pháp phải đồng bộ từ nhiều ngành, địa phương, quy hoạch có liên quan đến nhau.
Thêm vào đó, các giải pháp cải tạo sông nội đô trong Quy hoạch tài nguyên nước phải đặt trong quy hoạch tổng thể liên kết với các ngành khác như: tiêu thoát lũ, cấp nước, phát triển không gian và bảo vệ môi trường, các yếu tố cảnh quan, lịch sử, địa lý, văn hóa.
Với chủ đề là “Accelerating Change” – “Thúc đẩy sự thay đổi”, Ngày Nước thế giới 22/3/2023 được Liên Hợp Quốc phát động nhằm nhấn mạnh vai trò của nước là nền tảng cho tất cả các khía cạnh của cuộc sống và là cốt lõi của sự phát triển bền vững ở mỗi quốc gia; đồng thời hướng đến giải quyết cuộc khủng hoảng về nước và vệ sinh môi trường trên toàn cầu.
Qua đó, kêu gọi cộng đồng cùng thực hiện các chương trình hành động bảo vệ tài nguyên nước để tạo ra sự khác biệt bằng cách thay đổi cách thức sử dụng, khai thác và quản lý nước trong cuộc sống hàng ngày.
Thay đổi càng sớm càng tốt trong nhận thức và hành động về sử dụng, quản lý tài nguyên nước. Đó là ý nghĩa mà chủ đề Ngày Nước Thế giới năm nay muốn lan tỏa đến mọi người.
Lan Anh – Kinh tế Môi trường
Link nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/chuyen-gia-hien-ke-giai-cuu-cac-dong-song-o-nhiem-76235.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam