Đã nhiều năm nay, nhiều hộ dân ở bản biên giới Suối Phái, xã Tam Chung (Mường Lát) vẫn phải dùng nước khe, nước suối để sinh hoạt, dẫu vậy lượng nước không đủ dùng và không đảm bảo vệ sinh. Từ bao đời nay, nước vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải đối với người dân nơi đây.
Để có nước sinh hoạt tắm giặt, ăn uống hàng ngày, bà con bản Suối Phái phải lấy nước ở các khe suối thông qua hệ thống ống dẫn nước về bể chứa của gia đình.
Bản biên giới Suối Phái là một trong những thôn, bản đặc biệt khó khăn của huyện biên giới Mường Lát, với nhiều người dân tộc Mông sinh sống. Do tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thường bị ảnh hưởng nặng nề bởi mưa lũ, nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân Suối Phái còn nhiều thiếu thốn.
Đối với đồng bào dân tộc nơi đây, niềm mong mỏi lớn nhất đối với họ là làm sao cơm đủ ăn, áo đủ mặc, nước đủ dùng, thế nhưng ở Suối Phái, hầu hết các hộ gia đình đều luôn trong tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt. Phần do địa hình đồi núi cao, người dân không thể tự đào hay khoan giếng như ở đồng bằng. Phần do các công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho 3 bản người Mông: Suối Phái, Suối Lóng, Pom Khuông (xã Tam Chung) bị hư hỏng do thiên tai.
Dẫn chúng tôi thăm các hộ dân trong bản, ông Tráng A Sình, trưởng ban mặt trận bản Suối Phái cho biết, bản hiện có 64 hộ với 184 nhân khẩu, trong đó có đến 53 hộ nghèo. Trước đây bản có 3 bể nước sinh hoạt tập trung, nay đã bị hư hỏng và không sử dụng được. Để có nước sử dụng, bà con phải kéo dây dẫn từ các mó nước trong rừng về nhà, thậm chí vào mùa khô nóng, nguồn nước suối khan hiếm, không ít các em nhỏ, cụ già vẫn phải vượt đường núi lên nguồn lấy nước. Chính vì vậy, nước sinh hoạt giờ đây trở thành niềm mong mỏi khôn nguôi của bà con.
Công trình nước sinh hoạt tập trung của bản hiện không sử dụng được do xuống cấp.
Anh Tráng A Sính, bản Suối Phái cho biết, sau khi lập gia đình, vợ chồng anh xin bố mẹ ra ở riêng, cuộc sống tự lập của đôi vợ chồng trẻ ban đầu gặp nhiều chông gai, thử thách. Ngoài thu nhập từ sản xuất nông nghiệp rất thấp, nước sạch để phục vụ sinh hoạt hàng ngày thiếu nên gia đình anh và các hộ dân quanh vùng phải tự kéo dây dẫn nước bằng mó về sử dụng. Những năm qua, khắc phục tình trạng thiếu nước những hộ gia đình trong bản có điều kiện đã mua téc nước nhựa để hứng nước mưa nhưng cũng chỉ đủ dùng sinh hoạt trong thời gian ngắn.
Tình trạng thiếu nước cũng gây không ít khó khăn trong sinh hoạt của thầy, cô giáo tại điểm trường nơi đây. Thầy giáo Hà Văn Cát, giáo viên điểm trường tiểu học cho biết: Điểm Suối Phái có 3 lớp với 32 học sinh, trước đây thầy trò phải dùng nước suối đầu nguồn, bể sinh hoạt chung của bản. Từ khi công trình nước xuống cấp, không sử dụng được nên đầu năm học 2022-2023 lãnh đạo nhà trường có kêu gọi được nguồn tài trợ từ các tổ chức thiện nguyện để mua máy lọc nước sinh hoạt hàng ngày. Ở đây, vào những tháng mùa mưa, người dân mới đỡ vất vả về vấn đề nước sinh hoạt. Còn vào tháng cao điểm nắng nóng, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của người dân.
Một góc bản Suối Phái, xã Tam Chung, huyện Mường Lát.
Bà Lò Thị Ly Sa, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Chung, cho biết: Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân bản Suối Phái đã kéo dài nhiều năm. Địa phương cũng thường xuyên tuyên truyền người dân phải sử dụng nguồn nước tiết kiệm, nhưng về lâu dài vẫn mong muốn sớm được tu sửa lại hệ thống bể nước sinh hoạt tập trung để bà con ăn uống, sinh hoạt nhằm đảm bảo sức khỏe.
Bài và ảnh: Trung Lê – Báo Thanh Hóa
Link nguồn: https://vhds.baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/suoi-phai-nbsp-mong-moi-nuoc-sach/26543.htm
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam