Không lạ khi Xà Cầu được biết đến với cái tên “Thủ phủ” phế liệu ngoại thành Hà Nội khi chạy dọc đường Quốc lộ 21B đến thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, ta có thể dễ dàng bắt gặp những bao tải phế liệu nằm ngổn ngang, được chất đống la liệt dọc đường, trong thôn xóm, và cả tại nghĩa trang…
Được biết nghề truyền thống xưa nay của xã Quảng Phú Cầu là làm tăm hương, xã có 6 thôn thì trong đó 5 thôn làm tăm hương, riêng thôn Xà Cầu lại đặc trưng về làm hương đen. Tuy nhiên, do thời cuộc thay đổi, người mua hương ít dần, lại khó có thể cạnh tranh với những làng làm tăm hương truyền thống lân cận, những người làm tăm đen tại Xà Cầu dần chuyển hướng sang tập kết, thu gom và phân loại phế liệu, rồi dần dần trở thành “làng phế liệu” lớn nhất tại Hà Nội.
Trong khoảng sân trước nhà của mỗi hộ gia đình đều có những bao tải phế liệu cao quá mái nhà, rác thải tập kết ngổn ngang. Nhà anh Lương Văn Hải nằm sâu trong con ngõ nhỏ tại thôn Xà Cầu, anh Hải cho biết, anh cùng gia đình bám sống theo “nghề” thu gom phế liệu tại thôn Xà Cầu. Anh bắt đầu làm việc từ lúc 6h sáng cho đến 5h chiều bóc tách, phân loại vỏ dây điện, các sản phẩm kim loại, mỗi ngày các xe chở phế liệu ra vào “phân phát” cho từng nơi có người làm trong thôn để phân loại, sau khi hoàn thành xong sẽ đợi các xe tải, xe chở đến nhận thành phẩm và đưa về các xưởng, nhà máy để nghiền ép phế liệu, mỗi lần lao động như vậy sẽ nhận được số tiền 100 – 200.000 đồng một ngày. Đối với việc làm ngày trước của anh mà nói, số tiền công một ngày nhận được hiện nay đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình tốt hơn.
Đi sâu vào trong ngõ, các “xưởng chế biến” đang hoạt động hết công suất với những tiếng ầm ầm cùng mùi khét lẹt của máy móc và mùi nhựa ép,… bầu không khí lúc nào cũng trong tình trạng ô nhiễm đặc quánh; những đợt xả thải liên tiếp xuống các sông, cống, mương gần kề trong thôn bốc mùi nồng nặc, nên kể cả ở trong nhà cũng vẫn thấy mùi nhựa ép, mùi nước thải, mùi máy móc hoạt động đầy ám ảnh.
Bên cạnh những xưởng máy nghiền là nơi tập kết phế liệu, chị Thu Hương đang ngồi thu gom, phân loại và bóc nhãn mác các chai lọ, chị cho biết, người dân trong thôn đã quá quen với cảnh rác sống cạnh mình, đôi khi vì bầu không khí ô nhiễm nặng bởi tình trạng đốt rác hay máy nghiền phế liệu hoạt động, chị còn cảm thấy ngộp thở, phải thở cố bằng miệng, chị lắc đầu ngao ngán khi chỉ còn mỗi cách bịt 2 – 3 lớp khẩu trang thật dày để sống chung với khói bụi. Tuy nhiên, những hệ lụy lâu dài từ công việc này cũng thật khó lường, chưa kể đến tình trạng viêm đường hô hấp cấp, đường ruột cấp nếu phải tiếp xúc với bầu không khí hay hệ thống nước không được đảm bảo an toàn trong một thời gian dài.
Cách khoảng vài chục mét, PV tiến gần đến nghĩa trang Nhân Dân nằm trên đường Quốc lộ 21B ngay trong thôn Xà Cầu, nơi tập kết hàng tấn phế liệu. Không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh cả người sống và người chết đều sống chung với rác, hàng tấn rác được chất đống lên nhau, các loại bao tải chứa phế liệu “chen chúc” kéo dài ra mặt hồ. Rác thải hầu hết là những chai lọ nhựa cũng bị đem ra đốt, khiến bầu không khí trở nên ô nhiễm nặng nề. Quả không sai khi nói nghĩa trang Nhân Dân giờ đây biến thành bãi tập kết phế liệu to nhất ở Xà Cầu, đến nỗi người dân đi vào trong nghĩa trang đưa tang cũng không còn lối để vào!
Đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực thôn Xà Cầu, ông Nguyễn Hữu Nhất – Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết, hiện nay theo thống kê xã ghi nhận có 160 – 180 hộ gia đình làm công việc thu gom phế liệu về thôn để phân loại, những rác thải, phế liệu nhựa không tái chế được, người dân sẽ phân loại riêng và gom ra bãi trung chuyển, những xưởng nghiền ép trong thôn để phục vụ cho mục đích phân loại những rác thải nhựa.
UBND xã đã phối hợp cùng Công ty CP Công nghệ cao Hòa Bình để thu gom phế liệu mỗi tháng khoảng từ 40 – 50 tấn rác, rác thải được thu gom theo hợp đồng của UBND huyện Ứng Hòa nên chủ yếu rác thải về sinh hoạt hay ô nhiễm không khí đã được hạn chế. Phế liệu nhựa gây ô nhiễm hiện nay chủ yếu là tại các bãi trung chuyển vẫn đang để tràn ra vỉa hè hay các khu vực trong thôn và nghĩa trang,…Có tình trạng này là do diện tích các bãi chứa hiện không đủ chỗ. Để giải quyết thực trạng trên, UBND huyện Ứng Hòa và UBND xã Xà Cầu đang triển khai giai đoạn 2 xây dựng Cụm Công nghiệp Xà Cầu cho các hộ gia đình, các xưởng ép,…để tập trung vào một khu vực nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.
Cùng với đó, để xây dựng định hướng lâu dài cho công tác bảo vệ môi trường tại toàn huyện Ứng Hòa nói chung và xã Quảng Phú Cầu nói riêng, xã cũng xây dựng các phương án giảm thiểu tối đa tình trạng gây ô nhiễm môi trường như tuyên truyền về quy định bảo vệ môi trường trong nhân dân, xử phạt hành chính nghiêm minh đối với các hành vi đốt rác, xả thải rác không đúng quy định; tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng Công an khu vực và các đơn vị doanh nghiệp xử lý rác thải trên địa bàn thực hiện, chấp hành đúng các quy chế, quy định; đề xuất với UBND huyện Ứng Hòa các giải pháp giữ gìn môi trường trong thôn, xã…
Tuy nhiên, trên thực tế, các biện pháp này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền cấp xa, huyện để giảm thiểu đến mức thấp nhất vấn nạn ô nhiễm môi trường khu vực dân cư tái chế nhựa, trong khi chờ xây dựng xong Cụm công nghiệp này.
Sau đây là những hình ảnh Báo Tài nguyên và Môi trường ghi nhận được:
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam