Để bảo vệ môi trường làng nghề, bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương, các chuyên gia cho rằng, cần chú trọng đến việc huy động tối đa các nguồn lực sẵn có của các địa phương.
Thiếu nguồn lực cho bảo vệ môi trường làng nghề
Làng nghề có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương như giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở làng nghề; góp phần chuyển dịch cơ cấu và đa dạng hóa kinh tế nông thôn đồng thời góp phần vào công cuộc bảo tồn các giá trị truyền thống.
Theo báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố tháng 11/2021, cả nước hiện có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Trong đó, làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản chiếm 32,8% (640 làng nghề); làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ thủy tinh, dệt may sợi, thêu ren, đan lát chiếm 47,9% (935 làng nghề); các nhóm làng nghề còn lại chỉ chiếm 19,28% (với 376 làng nghề).
Pháp luật đã quy định làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường (BVMT). Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho BVMT tại các làng nghề còn thấp. Bên cạnh đó, các cơ chế huy động nguồn lực trong xã hội đã có nhưng việc triển khai còn nhiều hạn chế nên nguồn lực huy động chưa đáp ứng được nhu cầu. Điều này dẫn đến việc triển khai cho xây dựng, thực hiện phương án BVMT làng nghề còn gặp khó khăn. Việc thiếu nguồn lực đầu tư là thách thức lớn trong bối cảnh các vấn đề môi trường ngày càng gia tăng, tích tụ ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Công tác BVMT tại các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn cũng như hệ thống xử lý nước thải; thiếu cơ chế huy động nguồn lực để đầu tư các khu xử lý chất thải công nghiệp quy mô cấp vùng có công nghệ xử lý hiện đại theo quy hoạch. Theo thống kê, tổng số làng nghề có hệ thống xử lý nước thải là 423/1951 làng nghề, chiếm 21,7%; tỷ lệ làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 16,1%; tỷ lệ làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp đạt 20,9% tổng số làng nghề có chất thải rắn công nghiệp.
Huy động các nguồn lực tài chính
Để giải quyết các thách thức trên, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết hài hòa vấn đề phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường ở làng nghề.
Theo đề xuất, bên cạnh nguồn ngân sách Trung ương thì cần thiết chú trọng công tác xây dựng, ban hành cơ chế huy động tối đa các nguồn lực sẵn có của các địa phương như nguồn từ ngân sách địa phương, nguồn vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng và người dân địa phương.
Cụ thể, cần hoàn thiện khung pháp lý khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công tác BVMT thông qua sử dụng các công cụ tài chính như thuế, lãi suất, giá cả… hoặc công cụ tài chính khác (phát hành trái phiếu, vay nợ từ các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước…). Ban hành các chính sách đẩy mạnh hợp tác quốc tế của các doanh nghiệp tại làng nghề với các quỹ tài chính nước ngoài nhằm tiếp cận các gói tín dụng dụng đầu tư mới hoặc thay thế dây chuyền công nghệ lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ thân thiện với môi trường.
Bên cạnh đó, xây dựng, ban hành một số chính sách mới nhằm huy động nguồn lực tài chính từ cộng đồng cho công tác BVMT trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước. Để nâng cao kết quả huy động nguồn lực từ cộng đồng, cần thiết hoàn thiện các quy định, hướng dẫn từ các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với nội dung công khai, minh bạch các nguồn lực thực hiện công tác BVMT làng nghề.
Cùng với đó, cần huy động nguồn vốn tài trợ của các nước, các tổ chức quốc tế. Khuyến khích và hỗ trợ các cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế về BVMT làng nghề và chú trọng chính sách ngoại giao kinh tế nhằm đẩy mạnh hoạt động ngoại giao kinh tế thân thiện môi trường.
Ngoài ra, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng, của toàn dân vào công tác thực hiện phương án BVMT làng nghề ở Việt Nam. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trường, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác BVMT nhằm vận động người dân tham gia thực hiện phương án BVMT làng nghề. Chú trọng công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ; kỹ năng vận động tuyên truyền; kỹ năng tổ chức… cho tất cả các cán bộ tham gia trực tiếp xây dựng và công tác chỉ đạo thực thi phương án BVMT làng nghề.
Hoàng Ngân – Báo Tài nguyên và Môi trường
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/huy-dong-nguon-luc-cho-bao-ve-moi-truong-lang-nghe-349200.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam