Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1622/QĐ-TTg. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu quy hoạch ngành quốc gia đầu tiên được lập trong lĩnh vực tài nguyên nước, là định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030.
Trạm xử lý nước thải mỏ Núi Nhện, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh HOÀNG NGA) |
Theo Cục trưởng Quản lý Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Châu Trần Vĩnh, nước là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là thành phần cấu thành cơ bản của hệ sinh thái tự nhiên, liên quan mọi hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Do vậy, quy hoạch phải mang tính chiến lược, bảo đảm tầm nhìn dài hạn, định hướng tổng thể, điều hòa, phân phối tài nguyên nước đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, ưu tiên bảo đảm cấp nước cho sinh hoạt, ổn định an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, hài hòa với yêu cầu phát triển của từng ngành, từng địa phương và cộng đồng…
Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Quy hoạch, mục tiêu đến năm 2030, điều hòa, phân phối tài nguyên nước công bằng, hợp lý giữa các ngành, địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước theo quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, đảm bảo chiến lược phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đến năm 2025, 100% lưu vực sông lớn, quan trọng có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh; bảo đảm nguồn nước góp phần nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch cho mục đích sinh hoạt của dân cư đô thị đạt từ 95% đến 100% và 65% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch… Kiểm soát cơ bản 90% các hoạt động khai thác, sử dụng nước; nâng cao hiệu quả, năng lực khai thác, sử dụng nước và giảm thất thoát nước trong hệ thống các công trình thủy lợi; giảm tỷ lệ thất thoát nước trong hoạt động cấp nước xuống 10%; khắc phục hiệu quả tình trạng hạn hán, thiếu nước vào mùa khô ở các lưu vực sông, các vùng khó tiếp cận nguồn nước, đặc biệt là các vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, vùng sâu, vùng xa và các đảo…
Quy hoạch cũng đưa ra các yêu cầu bảo vệ, kiểm soát, ngăn chặn và giảm tình trạng gia tăng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước; phấn đấu đến năm 2030 thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường đạt từ 30% tổng lượng nước thải tại các đô thị loại II trở lên và 10% tại các đô thị từ loại V trở lên… Cải thiện, phục hồi các nguồn nước quan trọng bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, ưu tiên các đoạn sông chảy qua khu vực dân cư tập trung, các nguồn nước có vai trò quan trọng cho cấp nước sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội theo hướng xã hội hóa, nhất là trên dòng chính sông Hồng, sông Cả, sông Vu Gia-Thu Bồn và sông Ba… Tầm nhìn đến năm 2050, nâng chỉ số an ninh nguồn nước quốc gia lên nhóm các quốc gia đảm bảo an ninh nguồn nước hiệu quả trên thế giới; hướng tới chủ động về nguồn nước trong mọi tình huống, dự báo, điều tiết nước, phòng ngừa lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu…
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Quyết định số 1622/QĐ-TTg là một văn bản có ý nghĩa rất quan trọng trong việc định hướng điều hòa, phân bổ tài nguyên nước đáp ứng cho các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm (2021-2030). Quy hoạch tài nguyên nước là quy hoạch tổng hợp, được triển khai thực hiện lần đầu và trong bối cảnh các quy hoạch của các ngành có khai thác sử dụng nước đã và đang triển khai thực hiện. Do đó, các định hướng quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra được xem xét tổng thể trên cơ sở tài nguyên nước theo các lưu vực sông trên phạm vi toàn quốc, hiện trạng, nhu cầu sử dụng nước của các ngành có khai thác, sử dụng nước. Quy hoạch tài nguyên nước có sự gắn kết với các quy hoạch ngành quốc gia khác có sử dụng nước như quy hoạch phòng chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, quy hoạch phát triển điện lực quốc gia…
Mặt khác, Quy hoạch tài nguyên nước là một trong những cơ sở cho việc lập các quy hoạch ngành quốc gia có khai thác, sử dụng nước, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tài nguyên nước là định hướng tổng thể cấp quốc gia trong việc quản lý, điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, phòng, chống tác hại do nước gây ra, đồng thời cũng định hướng tổng thể cho sáu vùng phát triển kinh tế-xã hội (trung du và miền núi phía bắc; đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long); 13 lưu vực sông lớn, gồm (Bằng Giang-Kỳ Cùng, Hồng-Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, Ba, Sê San, Srêpok, Đồng Nai, Cửu Long); nhóm lưu vực sông ven biển và một số đảo trên lãnh thổ Việt Nam triển khai thực hiện trong quá trình lập quy hoạch. Quy hoạch tài nguyên nước hướng tới quản lý, sử dụng, phát triển bền vững, tổng hợp, thống nhất theo lưu vực sông, liên vùng, liên tỉnh; mọi nhu cầu sử dụng nước cho phát triển kinh tế-xã hội phải phù hợp chức năng và khả năng đáp ứng của nguồn nước, nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, công bằng, hợp lý, đa mục tiêu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái thủy sinh, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia…
Để thực hiện tốt Quy hoạch đã được Chính phủ ban hành, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ trong quá trình lập và triển khai thực hiện các quy hoạch lĩnh vực có liên quan. Đồng thời, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng các quy hoạch bảo đảm chất lượng, làm tiền đề cho việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước tiết kiệm, hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.
Thái Sơn – Nhân dân
Link nguồn: https://nhandan.vn/khai-thac-su-dung-hieu-qua-tai-nguyen-nuoc-post736419.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam