Để tham gia Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương, tiến tới một khung pháp lý về chấm dứt ô nhiễm nhựa trên toàn thế giới, Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị khá sớm về chính sách pháp luật và xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa với sự hỗ trợ từ Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương”.
Dự án với sự hợp tác của Tổ chức bảo vệ thiên nhiên thế giới (WWF) và Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực. Ví dụ như, từ Hợp phần Chính sách đã có những đột phá mang tính kịp thời, liên quan đến các hoạt động nghiên cứu, đánh giá, tham vấn và khuyến nghị, góp phần hoàn thiện khuôn khổ chính sách và thể chế nhằm tăng cường quản lý hiệu quả chất thải rắn và đưa hệ thống thực thi trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) do nhiều bên tham gia vào thực hiện ở cấp địa phương và quốc gia. Hợp phần này đã triển khai những hoạt động mang tính hỗ trợ, đảm bảo cam kết của Việt Nam trong việc tham gia một hiệp ước toàn cầu đầy tham vọng ràng buộc về mặt pháp lý về ô nhiễm nhựa, bao gồm quản lý rác thải nhựa đại dương.
Trên tình thần nhất trí quan điểm, tính cấp thiết của việc sửa đổi dự luật, duy trì những quy định hiệu quả và mang đến những thay đổi bước ngoặt trong công tác bảo vệ môi trường. Thông qua dự án, Tổng cục Biển và Hải đã góp phần tham mưu để Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 với những quy định về quản lý rác thải, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn về nhựa; tham gia thúc đẩy hình thành cơ chế đối tác công – tư để các cơ quan chính phủ có hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp cùng tìm kiếm và thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa theo chuỗi vòng đời nhựa; tham gia xây dựng cơ chế mở rộng trách nhiệm nhà sản xuất, nhà tiêu thụ đối với vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương…Từ đó, Luật bảo vệ môi trường 2020 được ban hành và thực thi với nhiều tinh thần mới, mang đầy đủ tính chất pháp lý, tạo nền tảng cơ bản để sẵn sàng tham gia một thỏa thuận giảm nhựa mang tính chất toàn cầu.
Ngoài ra, Dự án cũng đã hỗ trợ mạnh mẽ và kịp thời để Việt Nam xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng cho việc triển khai hoạt động quản lý rác thải nhựa như Quyết định số 1855/QĐ- BTNMT ngày 4/12/2019 thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất thải nhựa đại dương đến năm 2030; Nghị định số 08/2022/NĐ- CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT 2020 tích hợp khung EPR; Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đại dương ngành thủy sản 2020 – 2030; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, hiện các cơ quan chuyên môn của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương có liên quan để cùng xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động quản lý rác thải nhựa theo Quyết định 1746/QĐ-TTg; đã xây dựng được dự thảo số 02 kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển về rác thải nhựa đại dương. Đến nay có 11/28 tỉnh, thành phố có biển đã ban hành kế hoạch hành động của mình như: Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Bến Tre…
Tổng cục đã huy động các nguồn lực trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức quốc tế để thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương tại nhiều vùng miền, địa phương ven biển trên cả nước. Tại các địa phương, nhiều sáng kiến, phong trào phân loại, thu gom, tái chế và xử lý chất thải nhựa, sử dụng vật liệu thân thiện môi trường được phát huy.
Trên các diễn đàn, hội thảo quốc tế, Tổng cục đã chủ động tham gia, trình bày các sáng kiến, giải pháp và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện kế hoạch hành động quốc gia giảm thiểu rác thải nhựa đại dương. Đồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình thành một Trung tâm nghiên cứu quốc tế cấp vùng về rác thải nhựa đại dương đóng vai trò là nơi chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ giảm thiểu chất thải nhựa đại dương.
Hiện Dự án được triển khai tại 09 tỉnh/thành và khu vực ven biển, góp phần giảm ô nhiễm rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam thông qua việc hỗ trợ xây dựng các văn bản hướng dẫn để thực hiện các chính sách ưu tiên liên quan đến chất thải nhựa, các hoạt động truyền thông, tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi đối với chất thải nhựa, nhằm hỗ trợ thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Việt Nam.
Phan Phương – Báo Tài nguyên và Môi trường
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/san-sang-thuc-thi-mot-thoa-thuan-toan-cau-ve-rac-thai-nhua-348252.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam