Thời gian qua, triều cường, mưa lũ lớn liên tiếp xảy ra làm tình trạng sạt lở bờ biển, bờ sông ở Quảng Ngãi ngày càng nghiêm trọng, đe dọa an toàn các khu dân cư và công trình cơ sở hạ tầng.
Sạt lở bờ biển ở khu vực tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. |
Tình trạng này chủ yếu diễn ra ở các huyện ven biển và các sông lớn của tỉnh như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và Trà Câu. Tỉnh có 253 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 217km, trong đó mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 35km.
Nỗi lo sạt lở
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, kè chống sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh dài hơn 300m, được đưa vào sử dụng giữa tháng 11/2019, với mục tiêu bảo đảm an toàn cho 60 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng, trong đó có 20 hộ dân với 105 nhân khẩu bị tác động trực tiếp từ quá trình sạt lở.
Qua thời gian khai thác sử dụng, công trình phát huy hiệu quả, góp phần chống sạt lở bờ biển, bảo vệ an toàn cho các hộ dân sinh sống gần khu vực và các công trình hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, do tác động trực tiếp các đợt mưa, bão trong năm 2022 kết hợp không khí lạnh cường độ mạnh và triều cường dâng cao làm kè bị hư hỏng, sụp lún nghiêm trọng.
Kiểm tra hiện trường, cơ quan chức năng xác định tại điểm cuối phía nam của công trình, vị trí khung kè số 20, 21, 22 cấu kiện đúc sẵn trong khung phần mái ta-luy, khung bê-tông cốt thép và phần đường bê-tông bị sập đổ hoàn toàn, đất đắp bên trong bị cuốn trôi gây xói lở đường đi. Tổng chiều dài hư hỏng hoàn toàn khoảng 30m; các khung kè nằm sát khung kè bị sập phần đất bên trong bị sóng cuốn gây trống rỗng có nguy cơ sụp đổ.
Đáng lo ngại, sóng biển dâng cao vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/2022 khiến bờ biển dọc theo tổ dân phố Thạnh Đức 1 bị sạt lở, xâm thực khoảng 400m, nhiều đoạn ăn sâu vào đất liền từ 20-50m, ảnh hưởng trực tiếp đến 11 nhà ở của dân, trong đó 2 nhà bị sạt lở, ngã đổ hoàn toàn, 9 nhà có nguy cơ tiếp tục đổ và ảnh hưởng gián tiếp 70 hộ dân trong vùng sạt lở bờ biển.
Tình trạng sạt lở chủ yếu diễn ra ở các huyện ven biển và các sông lớn của tỉnh Quảng Ngãi như Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ và Trà Câu. Tỉnh có 253 khu vực sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 217km, trong đó mức độ sạt lở đặc biệt nguy hiểm gần 35km.
Nhìn dấu tích còn sót lại của ngôi nhà bà Châu Thị Hương và ông Nguyễn Thanh bên chân sóng, bờ biển bị “ngoạm” sâu vào đất liền, cụ Phạm Sáu (84 tuổi) cho biết, mấy chục năm gắn bó với làng chài Thạnh Đức 1, nhưng chưa bao giờ cụ chứng kiến cảnh triều cường hung dữ như vậy. Nhiều đêm, sóng lớn xô ầm ầm, người dân ngủ không yên, phập phồng, âu lo nhà cửa bị cuốn trôi ra biển.
Từng đợt sóng dữ liên tiếp bổ ập vào bờ khiến nỗi lo của người dân làng chài Thạnh Đức 1 ngày càng lớn. Nhiều ngôi nhà hiện chỉ còn cách mép biển chừng vài mét, chỉ cần đợt triều cường mạnh sẽ bị sóng biển cuốn trôi, đánh sập bất cứ lúc nào. Bà Trần Thị Dung lo lắng: “Những năm trước, nhà của tôi cách bờ biển hơn 20m nhưng giờ đã nằm sát mép biển nên nhiều đêm sóng lớn phải ngủ nhờ nhà người thân trong làng. Mong mỏi lớn nhất là Nhà nước sớm xây kè kiên cố để người dân an tâm, ổn định cuộc sống”.
Cấp thiết xây kè chống sạt lở
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết, tình trạng sạt lở hiện diễn ra ở nhiều địa phương trong tỉnh, như bờ biển xã Bình Châu (huyện Bình Sơn); bờ sông Trà Bồng, xã Bình Dương (huyện Bình Sơn); bờ sông Trà Khúc, xã Nghĩa Lâm (huyện Tư Nghĩa); bờ sông Trà Câu (đoạn qua các phường: Phổ Văn, Phổ Minh (huyện Đức Phổ); bờ sông Cây Bứa, xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa); bờ sông Re, xã Ba Ngạc (huyện Ba Tơ)…
Đơn cử, bờ biển xóm Châu Tân, thôn Châu Me, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), triều cường dâng cao bất thường đã xâm thực vào vườn nhà dân với chiều dài hàng trăm mét tính từ mép biển, đồng thời gây sạt lở nghiêm trọng dọc bờ biển xóm Châu Tân, đánh sập 4 tuyến đường dân sinh nối ra biển và có nguy cơ tiếp tục sạt lở, ảnh hưởng đến diện tích đất, gây lo lắng cho nhân dân.
Còn sông Cây Bứa, bờ tả của sông này đoạn chảy qua thôn Năng Tây 2, xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa) bị sạt lở khoảng 950m, trong đó khoảng 300m bờ sông bị sạt lở nguy cơ cao, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tính mạng, nhà ở của 29 hộ dân và công trình hạ tầng trong khu vực.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Võ Quốc Hùng, hầu hết các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển nêu trên đều thuộc mức độ “sạt lở nguy hiểm” và “tình huống khẩn cấp về thiên tai”. Do vậy, cần ưu tiên đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, bảo vệ an toàn cho khu dân cư, các công trình hạ tầng, đất sản xuất trong khu vực.
Hầu hết các điểm sạt lở bờ sông, bờ biển nêu trên đều thuộc mức độ “sạt lở nguy hiểm” và “tình huống khẩn cấp về thiên tai”. Do vậy, cần ưu tiên đầu tư xây dựng kè chống sạt lở, bảo vệ an toàn cho khu dân cư, các công trình hạ tầng, đất sản xuất trong khu vực.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Võ Quốc Hùng
Mới đây, tại buổi kiểm tra sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh, đồng chí Bùi Thị Quỳnh Vân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ nỗi lo của người dân trước tình trạng xâm thực do triều cường gây ra ngày càng gia tăng. Đồng chí cho rằng, việc Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ kiến nghị xây kè kiên cố nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng, tài sản của người dân là rất xác đáng và hợp lý. Vì vậy, tỉnh sẽ tính toán, cân đối bố trí nguồn đầu tư công trình kè chống sạt lở trong thời gian tới.
Trong khi chờ phương án xử lý ổn định lâu dài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến sạt lở để chủ động xử lý các tình huống ứng phó. Trước mắt, thông báo, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng ngăn không cho người, phương tiện vào khu vực sạt lở; huy động vật tư, vật liệu (đá hộc, cọc, phên tre) để xử lý bước đầu.
Tỉnh Quảng Ngãi đã công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ biển tổ dân phố Thạnh Đức 1, phường Phổ Thạnh; yêu cầu thị xã Đức Phổ khẩn trương thực hiện các biện pháp ngăn chặn bước đầu nhằm giảm thiệt hại do triều cường gây ra. Trong đó, lưu ý tùy tình hình thực tế tại hiện trường, tổ chức sơ tán ngay các hộ dân trong khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đến nơi an toàn; bố trí bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho nhân dân tại nơi sơ tán theo phương châm “4 tại chỗ”; huy động lực lượng, phương tiện và phân công cụ thể cho từng thành viên theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó.
Đồng chí Đặng Văn Minh cho biết, việc đầu tư xây dựng công trình kiên cố chống sạt lở bờ biển, bờ sông là hết sức cấp thiết. Đây là phương án tối ưu nhất để bảo đảm ổn định bờ biển, bờ sông lâu dài, giúp người dân an tâm trong mùa mưa bão, góp phần phát triển kinh tế-xã hội.
Tuy nhiên, do nguồn lực tại địa phương có hạn nên tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai xem xét, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 290 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục chống sạt lở bờ biển, bờ sông đang diễn ra nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam