Do lượng lớn nước thải sinh hoạt xả trực tiếp xuống và không được nạo vét thường xuyên nên 3 dòng suối trên địa bàn TP. Thái Nguyên, gồm: Túc Duyên, Mỏ Bạch và Xương Rồng bị ô nhiễm trong thời gian dài. Đặc biệt, vào mùa hanh khô, nước của các dòng suối bị tù đọng, bốc mùi hôi thối. Tình trạng này ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân.
Từ lâu, dòng suối Túc Duyên (bắt nguồn từ phường Trưng Vương, chảy qua phường Phan Đình Phùng và phường Túc Duyên) đã gây ám ảnh đối với người dân sinh sống dọc 2 bên bờ. Bởi, dòng suối luôn trong tình trạng ô nhiễm, thường xuyên bốc mùi hôi thối. Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt của người dân sinh sống gần đó xả trực tiếp xuống suối.
Hiện trạng suối Túc Duyên.
Cùng với đó, do không được nạo vét thường xuyên, lượng bùn trong suối bị tồn đọng nên nước thải khó thoát và thường gây gập úng vào mùa mưa, ứ đọng vào mùa khô. Nguồn nước này cũng không thể phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Khoảng 5-6 năm trước, TP. Thái Nguyên cũng đã đầu tư nạo vét và xây dựng hệ thống cống thoát nước và nắp đậy, với chiều dài khoảng 500m (đoạn từ cầu Bóng Tối, phường Túc Duyên về phía hạ lưu), nhưng việc này chỉ khắc phục được tạm thời ở khu vực thượng lưu.
Anh Chu Ngọc Dương, ở tổ 12, phường Túc Duyên, cho biết: Nhà tôi không ở sát hai bên bờ suối nhưng lần nào đi qua đây tôi cũng thấy mùi hôi bốc lên. Mùa khô thì lòng suối đặc sệt, tù đọng nước, bốc mùi, mùa mưa thì nước dâng cao ngập sát vào nhà dân, rác rưởi trôi lềnh bềnh.
Cũng như dòng suối Túc Duyên, suối Xương Rồng (bắt nguồn từ khu vực tổ 11, phường Đồng Quang và chảy về đoạn giáp ranh giữa phường Phan Đình Phùng với phường Gia Sàng) cũng bị ô nhiễm từ lâu, nhất là đoạn từ đường Cách mạng Tháng Tám về phía hạ lưu.
Theo người dân sinh sống ở đây, nguyên nhân của tình trạng này là do nước thải sinh hoạt, rác thải xả xuống dòng suối, một số hộ dân lấn chiếm hành lang thoát nước làm thu hẹp dòng chảy. Vì vậy, vào mùa mưa rác thải dồn ứ lại thành đống, nước suối không thoát được, tràn vào khu dân cư.
Ở TP. Thái Nguyên, khi nhắc đến những dòng suối ô nhiễm, người dân không thể không nhắc tới suối Mỏ Bạch. Dòng suối là một phụ lưu của kênh Núi Cốc và kết nối với nhiều suối nhỏ ở khu vực phường Thịnh Đán, Tân Thịnh, Quang Trung, Quyết Thắng, Quang Vinh…
Rác thải và nước thải “bức tử” suối Mỏ Bạch.
Năm nay, tình trạng ô nhiễm dòng suối Mỏ Bạch nặng hơn, dòng nước đen kịt, ứ đọng, bốc mùi hôi thối. Bà Nguyễn Thị Đào, tổ 6, phường Quang Vinh, có nhà ở sát dòng suối, cho biết: Chúng tôi ăn không ngon, ngủ không yên vì mùi hôi thối bốc lên từ suối. Dòng suối “hứng trọn” nguồn nước thải sinh hoạt ở các khu dân cư, chung cư xung quanh, nhiều người dân lại ném trực tiếp rác thải sinh hoạt xuống nên ngày càng ô nhiễm. Nếu Nhà nước không sớm quan tâm xây dựng kè, nạo vét suối thì không thể xử lý được tình trạng này…
Tỉnh đã đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Gia Sàng để thu nước thải sinh hoạt của người dân trên địa bàn TP. Thái Nguyên, tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp ngăn chặn tình trạng ô nhiễm nặng thêm. Về lâu dài, giải pháp tối ưu là phải tiến hành nạo vét, cải tạo thường xuyên.
Hiện nay, TP. Thái Nguyên đang tiến hành nạo vét, xây kè, đổ tấm đậy ở dòng suối Xương Rồng. Giải pháp này sẽ giải quyết được tình trạng ô nhiễm nhiều năm, nhưng người dân cũng mong muốn, tỉnh, TP. Thái Nguyên tiếp tục quan tâm đầu tư xây kè, tiến hành nạo vét 2 dòng suối Túc Duyên và Mỏ Bạch.
Báo Thái Nguyên
Link nguồn: https://baothainguyen.vn/tai-nguyen-moi-truong/202212/tp-thai-nguyen-cac-dong-suoi-o-nhiem-can-som-xu-ly-b0c5e3a/
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam