Sử dụng nhựa sinh học, doanh nghiệp đối diện rủi ro kinh doanh

Một số doanh nghiệp đã chuyển đổi sang sản xuất, sử dụng vật liệu nhựa tái chế thay cho nhựa nguyên sinh truyền thống, nhưng lại đối diện rủi ro kinh doanh.

Để giảm thiểu rác thải nhựa xả ra môi trường, việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam cũng như thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được cho là giải pháp bền vững.

Hiện nay, một số doanh nghiệp đang đi theo con đường phát triển bền vững để bảo vệ môi trường, với định hướng sản xuất nhựa sinh học thay thế cho nhựa nguyên sinh để góp phần bảo vệ môi trường, trong đó có An Phát Holdings – tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường.

Tiền thân là công ty sản xuất bao bì màng mỏng được thành lập năm 2002, nhưng từ năm 2013, An Phát Holdings chuyển hướng nghiên cứu và phát triển nguyên vật liệu thân thiện môi trường, với dòng sản phẩm phân hủy sinh học hoàn toàn thương hiệu AnEco.

Ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings.

Túi và các sản phẩm mang thương hiệu AnEco làm từ nhựa phân huỷ sinh học có khả năng phân hủy hoàn toàn tạo thành CO2, H2O và mùn hữu cơ trong thời gian 6 – 12 tháng, không để lại vi nhựa hay các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, vấn đề của An Phát Holdings cũng như các doanh nghiệp sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường nằm ở chỗ: vật liệu công nghệ cao đòi hỏi giá thành cao so với các vật liệu truyền thống, do đó không phải sản phẩm hấp dẫn, được ưu tiên với nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Doanh nghiệp phải giải bài toán lợi ích ngắn hạn, hay chấp nhận đi chậm hơn để tăng tốc trong tương lai. Đầu tư đổi mới công nghệ và đào tạo nhân lực trình độ cao sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, có thể ảnh hưởng đến sức tiêu thụ và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ trong ngắn hạn“, ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn An Phát Holdings, nhấn mạnh.

Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh (Hiệp hội Nhựa Việt Nam) cũng đồng ý với quan điểm trên. “Các doanh nghiệp thích sử dụng nhựa nguyên sinh làm nguyên liệu đầu vào bởi dễ sản xuất, còn sử dụng nhựa tái chế sẽ đòi hỏi phải thay đổi công nghệ cho phù hợp để thiết kế bao bì sản phẩm.

Đây có thể là rào cản, khiến nhiều người chưa mặn mà với các sản phẩm tái chế. Với người tiêu dùng, thắc mắc phổ biến cũng là sản phẩm, vật liệu tái chế liệu có an toàn không? Tâm lý người dùng luôn muốn dùng đồ mới. Chúng ta cần mở lòng với sản phẩm tái chế để giảm tiêu thụ tài nguyên“, ông Vượng khẳng định.

Chưa nói đến sản xuất nhựa sinh học hoặc nhựa tái chế, việc thực hiện EPR cũng đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn. Sau đại dịch COVID-19, tối ưu hóa lợi nhuận đang là nhiệm vụ hàng đầu của doanh nghiệp, trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế và thị trường tiêu thụ bị thu hẹp.

Bên trong nhà máy sản xuất của An Phát Holdings. 

Doanh nghiệp rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, nhưng trách nhiệm với môi trường vẫn phải thực hiện. Điều này đòi hỏi Nhà nước cần có những chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đảm bảo nghĩa vụ với môi trường.

Với những doanh nghiệp tái chế như An Phát Holdings, mong muốn trước tiên là được tạo điều kiện pháp lý để sản phẩm nhựa sinh học có thể cạnh tranh với những sản phẩm nhựa dùng một lần, nhựa nguyên sinh hiện trôi nổi trên thị trường.

Sản phẩm nhựa dùng một lần và nhựa thông thường đều tiện dụng và giá cả thấp hơn so với các sản phẩm thân thiện môi trường. Các sản phẩm từ nhựa xanh có hàm lượng công nghệ cao, nên giá thành sẽ cao hơn so với nhựa truyền thống.

Để giải quyết bài toán về giá cả, doanh nghiệp cần sự trợ lực từ Nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi đối với các sản phẩm thân thiện môi trường cũng như những chính sách hạn chế, đánh thuế cao các sản phẩm nhựa truyền thống để tạo sức cạnh tranh về giá cả cho các sản phẩm thân thiện môi trường.

Được sự trợ lực của chính sách tốt thì các doanh nghiệp sẽ nhìn ra thị trường tiềm năng của các sản phẩm thân thiện môi trường, và sẽ chuyển dịch sang hướng sản xuất xanh và người dân cũng sẽ thay đổi thói quen tiêu dùng sang hướng bền vững“, đại diện An Phát Holdings khẳng định.

Ông Lê Nguyễn Thăng Long cũng đưa ra ba đều xuất để mở đường cho doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn cho môi trường.

Thứ nhất, để phát triển kinh tế tuần hoàn đòi hỏi cần xây dựng đội ngũ chuyên gia giỏi, các nhà quản trị quốc gia và doanh nghiệp có trình độ cao, hoài bão lớn. Cần phổ biến rộng rãi kiến thức về mô hình kinh tế này cho các doanh nghiệp và người dân để từng bước thay đổi tập quán sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt.

Thứ hai, cần thúc đẩy mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạn chế sử dụng tài nguyên hóa thạch, tăng cường sử dụng tài nguyên có khả năng tái tạo trong sản xuất.

Thứ ba, để tạo cơ chế khuyến khích cho các doanh nghiệp đang hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn, cần có những chính sách hỗ trợ giảm thiểu rủi ro cho các dự án bền vững, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến tín dụng xanh theo hướng tăng cường tính bắt buộc để đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh.

Ông Hoàng Đức Vượng nhấn mạnh vai trò và trách nhiệm của người tiêu dùng. Nếu khách hàng chấp nhận bỏ thêm một khoản tiền cho các sản phẩm nhựa tái chế, nhựa sinh học, doanh nghiệp sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện tái chế hay đầu tư cho sản phẩm thân thiện với môi trường.

Để thực hiện nghĩa vụ với môi trường, các doanh nghiệp này cần sự minh bạch và công bằng. Nếu có cơ chế quản lý, giám sát kỹ càng và đảm bảo quyền lợi, tôi tin rằng các doanh nghiệp sẽ đồng ý thực hiện. Đây là trách nhiệm với môi trường và xã hội. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn càng ý thức vấn đề này hơn cả, bởi họ luôn mang trong mình sứ mệnh phụng sự xã hội, trong đó có bảo vệ môi trường.

không phải doanh nghiệp tự bỏ tiền ra thực hiện EPR. Mọi tập đoàn, doanh nghiệp hay công ty đều hoạt động vì lợi nhuận. Để đảm bảo đáp ứng EPR, các doanh nghiệp phải tăng giá thành sản phẩm. Mỗi người tiêu dùng sẽ phải trả thêm một phần chi phí. Khoản tiền ấy rất nhỏ thôi, nhưng nếu hàng triệu người cùng góp sức, đó sẽ là động lực để xây dựng, thay đổi ngành công nghiệp tái chế, thay đổi môi trường nước ta.

Khi có dòng tiền để phục vụ việc thực hiện EPR, dòng tiền để thay đổi công nghệ hay dòng tiền để nâng cấp ngành công nghiệp tái chế, nhà đầu tư mới có thể tham gia cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường, giảm thiểu lượng rác thải nhựa đổ ra sông, hồ, biển, bảo vệ được cuộc sống con người cũng như các loài sinh vật khác trong hệ sinh thái“, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh Việt Nam nêu quan điểm.

HỒNG NAM – VTC
Link nguồn: https://vtc.vn/su-dung-nhua-sinh-hoc-doanh-nghiep-doi-dien-rui-ro-kinh-doanh-ar719717.html

Tin cùng chuyên mục: