Công nghệ Viễn thám đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và ứng dụng rộng rãi trong ngành TN&MT.
Hiện nay, không chỉ những dự án lớn, từ Trung ương, mới sử dụng công nghệ này mà ngay cả địa phương cũng đang triển khai Kế hoạch hành động, thu và xử lý dữ liệu ảnh, sử dụng viễn thám để giám sát tài nguyên, môi trường, phục vụ quản lý ngành. Đó chính là những đổi mới cơ bản mà Đoàn công tác của Cục Viễn thám quốc gia đã chỉ ra sau hàng loạt buổi làm việc với các địa phương trong cả nước. Phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn ông Nguyễn Quốc Khánh – Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia để rõ hơn về nội dung này.
PV: Thưa ông, thời gian qua, Đoàn công tác của Cục Viễn thám quốc gia đã có nhiều buổi làm việc với các Sở TN&MT tỉnh, thành phố để nắm bắt tình hình triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 của địa phương. Với vai trò là Trưởng đoàn công tác, ông đánh giá như thế nào về thực trạng ứng dụng viễn thám tại các tỉnh, thành phố hiện nay?
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Trong 2 năm 2021 – 2022, Đoàn công tác của Cục Viễn thám quốc gia đã có các buổi làm việc với lãnh đạo 12 Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Tây Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ về nội dung khảo sát, đánh giá thực trạng và khả năng ứng dụng viễn thám nhằm phục vụ công tác triển khai Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển viễn thám quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040 của địa phương.
Qua khảo sát tình hình thực tiễn, chúng tôi nhận thấy, các sở đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện “Chiến lược phát triển viễn thám đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Trong đó, giai đoạn từ nay đến năm 2030, các Sở TN&MT sẽ tập trung kiện toàn cơ quan, cán bộ đầu mối giúp UBND tỉnh trong công tác quản lý Nhà nước đối với lĩnh vực viễn thám tại địa phương.
Đồng thời, đặt mục tiêu phấn đấu làm chủ công nghệ viễn thám; cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu viễn thám tại địa phương theo phân cấp; ứng dụng rộng rãi công nghệ viễn thám trong các ngành, lĩnh vực theo yêu cầu nhiệm vụ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội; xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực viễn thám có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng nhu cầu quản lý, ứng dụng và phát triển công nghệ viễn thám;…
Đối với công tác xây dựng nhu cầu sử dụng dữ liệu ảnh viễn thám thuộc phạm vi quản lý, hằng năm, theo hướng dẫn của Cục Viễn thám quốc gia, các Sở TN&MT đều đã có văn bản gửi các sở, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám để phục vụ khai thác thực hiện các chương trình, đề án, dự án trong các lĩnh vực chuyên môn như: Điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên môi trường, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục đích phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, Cục Viễn thám cũng nhận thấy, một số khó khăn trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ quản lý về viễn thám ở cấp địa phương mà các địa phương đang vướng mắc. Ví dụ, việc thực hiện các chương trình, đề án, dự án do các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố làm chủ đầu tư chủ yếu chỉ mới sử dụng nguồn tài liệu bản đồ địa chính các tỷ lệ để tổ chức thực hiện.
Một số địa phương chưa thấy được tính ưu việt trong ứng dụng, sử dụng sản phẩm viễn thám phục vụ nhiệm vụ chuyên môn. Do đó, những năm qua, các tỉnh, thành phố vẫn chưa đề nghị nhu cầu thu nhận dữ liệu ảnh viễn thám để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương.
Bên cạnh đó, một số địa phương cho rằng, viễn thám là lĩnh vực khá mới mẻ, cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về viễn thám chưa có chuyên môn về viễn thám, vì vậy, chưa đầu tư ngân sách để phát triển viễn thám tại địa phương, dẫn tới việc thực thi các quy định pháp luật về viễn thám còn một số hạn chế.
PV: Trước những tồn tại vướng mắc trên, Cục Viễn thám quốc gia đã đưa ra những kiến nghị, giải pháp gì để đẩy mạnh ứng dụng viễn thám tại các địa phương trong thời gian tới, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Qua làm việc với các Sở TN&MT, với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý lĩnh vực viễn thám, Cục đã có nhiều ý kiến tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý Nhà nước về viễn thám tại địa phương.
Cục đã kiến nghị Sở TN&MT các địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về viễn thám. Nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn trong quản lý Nhà nước tại địa phương kết hợp việc nghiên cứu những cơ chế, chính sách pháp luật, từ đó, tham mưu và xây dựng, ban hành văn bản của địa phương để triển khai thực hiện các nội dung quản lý Nhà nước về viễn thám.
Đặc biệt, Đề án “Ứng dụng viễn thám phục vụ phát triển kinh tế – xã hội” đã được Chính phủ phê duyệt. Đề án yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tham gia thực hiện, trong đó chú trọng tới việc chuyển giao công nghệ và sản phẩm cho các địa chỉ cụ thể ở địa phương, chỉ ra một số nhiệm vụ cụ thể phối hợp với các địa phương thực hiện nhằm góp phần tăng cường năng lực, đào tạo đội ngũ chuyên môn cho địa phương. Nhằm nâng cao hiệu quả thực thi Đề án, Cục Viễn thám quốc gia đã tăng cường phối kết hợp, hướng dẫn, chia sẻ trong việc định hướng thực hiện các dự án tại địa phương.
PV: Bên cạnh các giải pháp được thực hiện tại địa phương, thời gian tới, Cục Viễn thám quốc gia sẽ có những định hướng hoạt động như thế nào để công tác thu nhận dữ liệu đạt chất lượng cao hơn và phủ rộng hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương, thưa ông?
Ông Nguyễn Quốc Khánh: Nhu cầu thu nhận dữ liệu viễn thám chất lượng cao, phủ rộng hơn, phục vụ yêu cầu quản lý Nhà nước của các ngành và phục vụ giám sát tài nguyên và môi trường, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng của các địa phương ngày càng lớn. Trên thực tế, Bộ TN&MT mới chỉ có duy nhất một trạm thu tại Hà Nội được xây dựng từ năm 2007, đã được nâng cấp để thu ảnh VNREDSat-1, SPOT 6/7. Trạm thu đã sử dụng thời gian dài nên khó có thể đáp ứng việc nâng cấp để thu các thế hệ vệ tinh mới tiếp theo.
Để đáp ứng thực tiễn, Cục Viễn thám quốc gia đang tích cực tiến hành phát triển các trạm thu mới, có tính năng hiện đại nhằm thu được một số loại vệ tinh viễn thám có độ phân giải siêu cao khác nhau. Theo đó, Cục đang xây dựng mới một trạm thu tại Hà Nội để thu nhận dữ liệu viễn thám radar và quang học độ phân giải siêu cao 0,75m Kompsat 3A của Hàn Quốc và thu ảnh viễn thám radar Cosmo-SKYMED tại trụ sở Cục Viễn thám quốc gia.
Cùng với xây mới trạm vệ tinh tại Hà Nội, Cục Viễn thám quốc gia đang triển khai xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN – Ấn Độ, dự kiến vận hành từ tháng 1/2024. Khi Trạm này đi vào hoạt động sẽ tăng cường hiệu quả ứng dụng ảnh viễn thám, cho phép theo dõi, giám sát các đối tượng trên bề mặt ở nhiều mức độ khác nhau về cả không gian và thời gian, từ khái quát đến chi tiết.
Bên cạnh đó, Cục Viễn thám quốc gia cũng đang xây dựng sửa đổi quy định về cung cấp dữ liệu viễn thám, theo đó, sẽ đẩy mạnh việc phổ biến dữ liệu viễn thám cho địa phương với giá thành rẻ, mở rộng thêm một số đối tượng được cung cấp miễn phí. Cục sẽ hỗ trợ tư vấn trong ứng dụng viễn thám ở các địa phương.
Đặc biệt, Cục sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá công nghệ viễn thám, giới thiệu về công nghệ viễn thám tại các địa phương; đẩy mạnh xã hội hóa việc ứng dụng công nghệ viễn thám. Đồng thời, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu, sản phẩm viễn thám giữa các cơ quan quản lý dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng dữ liệu viễn thám.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Thủy – Báo Tài nguyên và Môi trường
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/ung-dung-vien-tham-giam-sat-tai-nguyen-moi-truong-buoc-chuyen-manh-me-tu-co-so-347791.html
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam