Ngày 29/11, tại Hà Nội, Mạng lưới Nông nghiệp sinh thái khu vực Đông Nam Á (ALiSEA) đã tổ chức hội thảo tổng kết năm 2022 với chủ đề: “Hướng đến chuyển đổi nông nghiệp sinh thái”. Tại hội thảo, các thành viên mạng lưới đến từ Việt Nam, Lào, Campuchia đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái (NNST) và đề xuất kế hoạch hành động cho năm 2023.
Chia sẻ về xu hướng NNST tại Việt Nam, PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Việt Nam đang thực hiện Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về mặt nông nghiệp, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nông nghiệp sinh thái thân thiện môi trường, phát thải khí nhà kính thấp. Đây là quá trình chuyển đổi cơ bản làm thay đổi tư duy sản xuất, từ tư duy sử dụng nhiều hóa chất sang tư duy nông nghiệp sinh thái, làm kinh tế nông nghiệp. Điều này có nghĩa, sản xuất nông nghiệp ngoài tạo ra sản phẩm còn đem lại nhiều giá trị về văn hóa, xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm, kết hợp du lịch… giúp nông dân tăng thu nhập mà không phải chạy theo năng suất.
NNST không phải lĩnh vực mới. Rất nhiều nghiên cứu, kỹ thuật đã có từ hàng chục năm nay nhưng chưa được phổ biến rộng rãi. Do đó, Mạng lưới ALiSEA ra đời với mục tiêu tập hợp, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và xã hội hóa những tri thức về NNST tại khu vực Đông Nam Á, từ đó nhân rộng các thực hành NNST và chuyển hướng các nền nông nghiệp trở lại thân thiện với môi trường. Hiện nay, Mạng lưới ALISE Việt Nam gồm 35 thành viên đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ, hội nông dân, tổ chức tư nhân… có hoạt động trong lĩnh vực NNST.
Đại diện Mạng lưới ALiSEA cấp vùng, bà Lucie Reynaud cho biết, trong năm 2022, ALISEA Việt Nam tập trung xây dựng chiến lược tuyên truyền, nâng cao nhận thức về NNST trên cơ sở tìm hiểu nhu cầu thông tin của các đối tác, như các cơ quan quản lý, tổ chức phi chính phủ, nông dân, nhà khoa học… Các thành viên đã cùng lập bản đồ sáng kiến NNST tại Việt Nam, phân tích quá trình chuyển đổi NNST ở quy mô quốc gia và khu vực, từ đó, hình thành các nguyên tắc của hệ thống sinh thái nông nghiệp và thực phẩm an toàn trong bối cảnh Việt Nam. Nhiều kinh nghiệm về thực hành NNST đã được chia sẻ, điển hình là hệ thống nông nghiệp kết nối với đô thị, hệ thống trồng lúa ở vùng đất thấp, liên kết cây trồng – vật nuôi – rừng ở vùng cao…
Trong năm 2022, ALiSEA cũng đã lựa chọn một số đề xuất dự án mô hình NNST tại 3 quốc gia là Việt Nam, Lào và Campuchia để thực hiện từ năm 2023. Cụ thể, Việt Nam có 3 đề xuất: “Tăng cường năng lực cộng đồng trong việc giám sát sử dụng hóa chất trừ sâu và thúc đẩy NNST tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định”; “Hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang hệ thống canh tác đa dạng hơn bằng cách trồng thử nghiệm các loại dược liệu bản địa và thảo mộc ăn được tại các khu vực canh tác rẫy, tỉnh Kon Tum”; và “Kiểm soát cỏ dại sinh thái: Một thử nghiệm có sự tham gia của các trang trại rau hữu cơ PGS tại tỉnh Hòa Bình và Hà Nội”.
Phía Lào có 2 đề xuất gồm: “Liên kết và học hỏi về NNST” và “Thúc đẩy năng lượng tái tạo trong lĩnh vực bảo quản sau thu hoạch trong nông nghiệp đối với nông hộ nhỏ. Phía Campuchia có 2 đề xuất: “Nghiên cứu và trình diễn sản xuất hạt điều có khả năng chống chịu BĐKH” và “Đánh giá đa chiều về NNST”.
Tại hội thảo, các tổ chức có đề xuất dự án của Việt Nam đã chia sẻ kinh nghiệm xây dựng đề xuất đáp ứng yêu cầu của ALiSEA, quá trình triển khai thí điểm các hoạt động NNST và nhu cầu hỗ trợ trong thời gian tới. Theo đại diện Mạng lưới ALiSEA, trong những vòng đề xuất mô hình tới đây, ALiSEA tại các quốc gia sẽ tổ chức hướng dẫn trực tiếp cho các tổ chức thành viên, tập trung vào những nguyên tác chính của NNST và các chủ đề cụ thể, phù hợp với bối cảnh địa phương.
Đại diện các thành viên mạng lưới cũng thảo luận nhằm xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia và chiến lược truyền thông của ALiSEA về NNST; đề xuất về các chủ đề nâng cao năng lực và kiến nghị tăng cường chất lượng hoạt động của ALiSEA. Mạng lưới sẽ đồng hành cùng Chính phủ và cộng đồng hướng đến các vấn đề biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp, cải thiện sinh kế cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở để ALiSEA xây dựng Kế hoạch hoạt động trong năm 2023 phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp của Việt Nam.
Theo Khánh Ly – Báo Tài nguyên và Môi trường
Link nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/phat-huy-loi-ich-da-chieu-tu-nong-nghiep-sinh-thai-347520.html
Tin cùng chuyên mục:
Hà Nội: Chuẩn bị nguồn lực để áp dụng phân loại rác tại nguồn
Lào Cai: Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã
Bến Tre: Tăng cường bảo vệ môi trường trong dịp Tết
Hành trình khởi tạo môi trường xanh
Hà Nội: Ô nhiễm không khí chạm mức nguy hiểm
Bao bì kẹo cao su và một số đồ uống đóng chai không phải thực hiện tái chế
Đắk Nông: Nhiều chuyển biến tích cực trong thu gom, xử lý rác sinh hoạt
TP. Vị Thanh (Hậu Giang): Hỗ trợ 474 thùng rác cho các hộ dân
TP.HCM: Ra mắt ứng dụng phân loại và thu gom rác tái chế
Đắk Lắk: Làm việc với KOICA về dự án nước thải đô thị
Phiên họp thứ nhất của Đoàn Giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Bộ TN&MT ban hành kế hoạch giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm