Thống kê, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó 10% là chất thải nhựa. Nếu không tìm “lối đi” phù hợp cho chất thải nhựa, nguy cơ thành thảm họa ô nhiễm.
Một số chuyên gia cho rằng, còn nhiều hạn chế trong hiểu biết của người dân cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng nhựa. Mặc dù phần đông người dân nhận thấy tình trạng ô nhiễm chất thải rắn trong môi trường sống của họ, nhưng rất nhiều người chưa sẵn sàng sử dụng các túi thay thế túi nilon. Lấy dẫn chứng trong khảo sát được thực hiện vào cuối năm 2020 tại 9 tỉnh/thành phố về đồ nhựa dùng một lần do một tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên cho thấy: Chỉ có 5,1% người được hỏi cho biết không dùng bất kỳ sản phẩm nhựa dùng một lần nào; 94,9% ý kiến cho biết đã sử dụng ít nhất một sản phẩm; 38,3% đã dùng từ 3 sản phẩm trở lên.
Trong các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi nilon được sử dụng nhiều nhất, với mức độ trung bình 3,5 chiếc/người/ngày, tiếp đến là chai nhựa trung bình 1 chai/người/ngày, ống hút 0,7 chiếc/người/ngày, hộp xốp 0,6 chiếc/người/ngày. Khu vực đô thị cũng tiêu dùng nhiều túi nilon hơn khu vực nông thôn. Con số này tương ứng là 3,8/túi/người/ngày và 3,2 túi/người/ngày. Đáng chú ý, hơn 70% người dùng đã thải bỏ sau lần sử dụng đầu tiên. Chai nhựa, hộp nhựa, dao nhựa được nhiều người giữ lại hơn để bán đồng nát hoặc tái sử dụng.
“Tiện tay” – thói quen không dễ thay đổi dù nhận thức rõ về hành động.
Các nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra, Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa nhiều nhất thế giới, đứng thứ 4 trên 20 quốc gia ở tốp đầu với khoảng 0,3 – 0,8 triệu tấn/năm. Nguyên nhân chính dẫn đến lượng rác thải khổng lồ của Việt Nam phát thải vào đại dương là do phương thức sản xuất hàng hóa, cách thức quản lý, năng lực xử lý rác nhựa và ý thức của người dân cũng như doanh nghiệp.
Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng, giá thành thấp, túi nilon và các sản phẩm bằng nhựa đã gắn với thói quen của không ít người tiêu dùng, khiến việc thay đổi hành vi gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia, sự thay đổi phụ thuộc cơ bản vào nhận thức. Do đó, cần tiếp tục truyền thông để nâng cao nhận thức cho người sử dụng cũng như doanh nghiệp.
Việc vận động chính sách cần ban hành các hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng trong việc tuân thủ cam kết giảm thiểu nhựa dùng một lần; lồng ghép hình ảnh, hành động thực hành tốt về giảm thiểu nhựa dùng một lần qua các chương trình giải trí, điện ảnh, sân khấu…; hỗ trợ nhóm thiện nguyện, tổ đội nhóm phi chính thức trong các hoạt động về bảo vệ môi trường bằng cách hỗ trợ nguồn kinh phí; xây dựng mô hình thử nghiệm về phân loại rác từ nguồn và quản lý rác thải ở các cộng đồng đô thị, khu du lịch.
Chú trọng phát triển các nhà cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa dùng một lần với phương châm “rác là nguồn tài nguyên”; xây dựng các biện pháp thưởng – phạt, xếp phân loại, xếp hạng đối với những đơn vị, tổ chức đang lạm dụng sử dụng nhựa dùng một lần; hướng tới xây dựng nhận thức mới trong xã hội về giảm thiểu tiêu dùng các sản phẩm nhựa dùng một lần…
Các tổ chức môi trường quốc tế cũng như nhiều quốc gia đang kêu gọi người dân hạn chế việc sử dụng sản phẩm từ nhựa và túi nilon. Trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và túi nilon khó phân hủy, đặc biệt là sản phẩm nhựa dùng một lần. Có thể sử dụng thay thế bằng các loại túi khác thân thiện với môi trường như túi giấy, túi vải sử dụng nhiều lần, túi nilon tự phân hủy, túi dệt từ sợi nilon sử dụng nhiều lần… Bên cạnh đó, tái sử dụng là biện pháp đang được nhiều cơ quan môi trường khuyến khích và khuyên người dân nên làm.
Theo chuyên gia, việc này sẽ hạn chế phần nào rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác, vừa tiết kiệm vừa thúc đẩy sáng tạo.
Phạm Dung
Nguồn: Tạp chí điện tử Thiên nhiên & Môi trường (https://thiennhienmoitruong.vn/nhan-thuc-da-du-nhung-kho-thay-doi-thoi-quen.html)
02/05/2022 20:05
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam