Tái chế rác thải: Việt Nam bỏ lỡ khoảng 3 tỷ USD mỗi năm

TMO – Trong báo cáo của IFC và Ngân hàng thế giới (WB) vừa được công bố mới đây, Việt Nam có khoảng 3,9 triệu tấn nhựa PET, LDPE, HDPE được tiêu thụ mỗi năm và trong số này chỉ có trên 1 triệu tấn được thu gom tái chế.

Mỗi năm, một lượng bao bì nhựa trị giá 80-120 tỷ USD bị thất thoát khỏi nền kinh tế toàn cầu do thiếu tái chế, trong đó ước tính Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm (tương đương khoảng 2,6 triệu tấn) vì không tái chế hết rác thải nhựa từ sinh hoạt. Nếu tất cả các loại nhựa sử dụng ở Việt Nam được thu gom và tái chế thành các sản phẩm tái chế có giá trị nhất, về lý thuyết tổng giá trị vật liệu giải phóng được nhờ tái chế sẽ tương đương 3,4 tỷ USD mỗi năm.

Theo các chuyên gia, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và tầng lớp trung lưu ngày càng mở rộng đã làm tăng đáng kể mức tiêu thụ các sản phẩm nhựa và bao bì, khiến các thị trường mới nổi trong khu vực trong đó có Việt Nam trở thành điểm nóng về ô nhiễm nhựa. Tuy nhiên, đầu tư vào hạ tầng quản lý rác thải vẫn chưa bắt kịp tốc độ xả thải. Khu vực nhà nước và tư nhân cần hợp tác để giải quyết vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội phức tạp này, đồng thời thúc đẩy các chính sách và tăng cường đầu tư để giúp tận dụng triệt để giá trị của vật liệu nhựa.

Theo báo cáo của IFC và WB, mỗi năm Việt Nam lãng phí gần 3 tỷ USD vì không tái chế hết lượng rác thải nhựa.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến số lượng rác thải nhựa được tái chế ít ỏi như việc phân loại rác tại nguồn chưa đạt hiệu quả cao, lực lượng thu gom chỉ tập trung nhặt lại các loại nhựa có giá trị lớn. Hoạt động tái chế hiện nay còn nhỏ lẻ, công nghệ sử dụng lạc hậu, sản phẩm tái chế có chất lượng thấp nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Riêng những doanh nghiệp tái chế chất thải nhựa lớn sử dụng công nghệ hiện đại nhưng tập trung tái chế các phế phẩm nhựa trong sản xuất, chưa mạnh dạn thu gom, tái chế phế liệu nhựa từ chất thải rắn sinh hoạt.

Những thách thức này đã xuất hiện và càng trở nên nghiêm trọng cùng với đại dịch Covid-19, vì nguồn cung cho ngành công nghiệp tái chế sụt giảm do thay đổi về hành vi tiêu dùng và sụt giảm đáng kể nhu cầu đối với các sản phẩm tái chế do giá dầu thấp và suy thoái kinh tế.

Để không lãng phí nguồn tài nguyên rác, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần triển khai không chỉ là tái sử dụng chất thải, coi chất thải là tài nguyên mà còn là sự kết nối giữa các hoạt động kinh tế một cách có tính toán từ trước, tạo thành các vòng tuần hoàn trong nền kinh tế. Kinh tế tuần hoàn giữ cho dòng vật chất được sử dụng lâu nhất có thể, khôi phục và tái tạo các sản phẩm, vật liệu ở cuối mỗi vòng sản xuất hay tiêu dùng. Nền kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam để đạt được các mục tiêu tăng trưởng carbon thấp. Tái chế nhựa không chỉ giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa mà còn giúp giảm phát thải khí nhà kính và tiết kiệm các nguồn nguyên vật liệu có giá trị.

IFC và WB khuyến nghị, đối với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần có giá trị thấp mà không có phương án thay thế phù hợp, các chính sách hiệu quả có thể bao gồm cấm và hạn chế đưa sản phẩm đó ra thị trường, áp dụng phí đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, hoặc nhà nhập khẩu, và thuế vì những công cụ chính sách này có ảnh hưởng trực tiếp nhiều hơn đến hành vi của người tiêu dùng và góp phần nhanh chóng đạt được kết quả đáng kể. Đồng thời cần cải thiện khả năng tiếp cận tài chính cho các dự án tái chế và hỗ trợ nâng cao năng lực các ngân hàng trong nước và nên giải quyết tình trạng chênh lệch giữa nhu cầu tài chính của các đơn vị tái chế nhựa là doanh nghiệp vừa và nhỏ và các sản phẩm tài chính xanh hiện hành với việc xây dựng các quy định tài trợ đơn giản hơn.

Cần khuyến khích sử dụng hàm lượng tái chế, bắt đầu với các chính sách ưu đãi, sau đó là chỉ tiêu/tiêu chuẩn về hàm lượng tái chế cho các ngành sử dụng nhựa lớn nhất. Ước tính chỉ khoảng 33% trong số 3,9 triệu tấn hạt nhựa tiêu thụ được tái chế hàng năm, Việt Nam thiếu một thị trường thứ cấp mạnh mẽ cho nhựa tái chế. Việc Việt Nam phải phụ thuộc vào các thị trường xuất khẩu khiến ngành công nghiệp tái chế phải chịu toàn bộ gánh nặng biến động giá toàn cầu tiềm ẩn trong lĩnh vực tái chế. Do đó, Chính phủ có thể đóng vai trò chủ đạo bằng cách thực hiện mua sắm công xanh (GPP) và dán nhãn các sản phẩm nhựa tái chế.

Hà Vy

Nguồn: Tạp chí Điện tử Thiên nhiên & Môi trường (https://thiennhienmoitruong.vn/tai-che-rac-thai-viet-nam-bo-lo-khoang-3-ty-usd-moi-nam.html)

Thứ năm, 07/04/2022 15:04

Tin cùng chuyên mục: