Hà Nội: Tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý thấp dưới mức kỳ vọng?

Theo Sở Xây dựng TP.Hà Nội hiện trên địa bàn thành phố mới có 6 nhà máy, trạm xử lý được đầu tư xây dựng, đưa vào vận hành với tổng công suất xử lý 276.300m3/ngày – đêm, chiếm khoảng 28,8% khối lượng nước thải cần xử lý.

Nhằm cải thiện môi trường sống của nhân dân, nâng cao mức độ dịch vụ đô thị phát triển hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu vực đô thị theo quy hoạch được duyệt, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch phát triển hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Theo dự kiến, giai đoạn 2021-2025, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các dự án xử lý nước thải theo quy hoạch bằng nguồn vốn đầu tư công, gồm: Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở; xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Kiến Hưng (quận Hà Đông); xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Tây sông Nhuệ. Đồng thời, thành phố kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy Xử lý nước thải Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); xây dựng hệ thống xử lý nước thải An Lạc (quận Long Biên); xây dựng hệ thống xử lý nước thải Phúc Đồng (quận Long Biên).

Tỷ lệ nước thải được thu gom, xử lý tại Hà Nội mới đạt 28%. (Ảnh: Sông Tô Lịch)

 Sau khi các nhà máy Xử lý nước thải Kiến Hưng, quận Hà Đông (công suất 30.000m3/ ngày – đêm); Nhà máy Xử lý nước thải Tây sông Nhuệ (công suất 58.000m3/ngày – đêm)… hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ, Cầu Bây; góp phần nâng tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt 50-55% vào năm 2025.

Để thực hiện thành công mục tiêu trên, TP.Hà Nội dự kiến dành Thành phố dự trù kiến nguồn kinh phí hơn 41.067 tỷ đồng để đầu tư 20 dự án thoát nước, xử lý nước thải đô thị.

Trong khi đó, đề cập về tiến độ xây dựng các dự án thu gom, xử lý nước thải trong quy hoạch, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội cho hay theo Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 14 dự án thoát nước và xử lý nước thải được ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2013-2020.

GS.TS-Đặng Thị Kim Chi cho rằng tỷ lệ nước thải được thu gom xử lý của TP.Hà Nội đang ở mức rất thấp.

Song đến nay mới có 5 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng; 1 dự án đang triển khai (Dự án xây dựng hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày – đêm). Còn lại, 8 dự án chưa thể thực hiện do gặp khó khăn về nguồn vốn, cơ chế đầu tư…

Cũng theo ông Hùng thì các dự án thoát nước và xử lý nước thải cần nguồn kinh phí đầu tư rất lớn, thời gian thực hiện lâu dài, công tác giải phóng mặt bằng khó khăn, trong khi cơ chế đầu tư xã hội hóa chưa hoàn chỉnh nên thiếu hấp dẫn các nhà đầu tư tham gia.

Trao đổi với phóng viên Kinh tế Môi trường về vấn đề này GS.TS Đặng Thị Kim Chi – Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam nhận định: “Thành phố Hà Nội không giống như các đô thị lớn khác, nó vừa là trái tim của cả nước vùa là bộ mặt của ta với thế giới nên vấn đề môi trường cần được quan tâm đặc biệt hơn. Trong khi đó, tỷ lệ nước thải sinh hoạt tại khu đô thị đã được thu gom xử lý ở mức 28% là quá thấp, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của một đô thị văn minh, thành phố hòa bình.

Cũng theo GS.TS Đặng Thị Kim Chi thì ngoài việc đảm bảo tiến độ triển khai dự án thu gom, xử lý nước thải trên địa bàn. Chưa đề cập đến vượt tiến độ,  chúng ta chỉ cần đảm bảo đúng tiến độ các dự án xử lý ô nhiễm môi trường thôi cũng đã là một thành công lớn. Trong khi đó, trên địa bàn TP.Hà Nội hiện nay chúng ta có thể thấy các dự án xử lý nước thải nói riêng, xử lý ô nhiễm môi trường nói chung luôn nằm trong tình trạng chậm tiến độ.

Chẳng nói đâu xa, cứ mỗi lần Khu xử lý rác thải Nam Sơn (bãi rác Nam Sơn) đóng cửa vì các lý do khác nhau thì cả thành phố “ngập” trong rác còn những người đứng đầu thành phố thì đau đầu tìm biện pháp xử lý. Trong khi đó các dự án xử lý rác thải trên địa bàn, tiêu biểu là dự án Nhà máy điện rác Sóc Sơn liên tục lùi ngày ấn hành hoạt động và đến giờ vẫn chưa biết bao giờ đi vào hoạt động chính thức. Còn nhà máy xử lý rác Đông Anh sau hơn 10 năm xây dựng vẫn chưa thể đưa vào vận hành vì các nguyên nhân khác nhau.

Từ thực trạng đó, GS.TS Đặng Thị Kim Chi cho rằng chỉ cần đưa các dự án thu gom, xử lý nước thải nói riêng các dự án xử lý rác thải nói chung trên địa bàn TP.Hà Nội hoạt động đúng theo tiến độ đề ra sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trên địa bàn Thủ đô nói chung, tăng tỷ lệ xử lý nước thải được thu gom, xử lý nói riêng.

Theo quy hoạch, TP.Hà Nội có 3 phân vùng tiêu thoát nước chính (rộng 125.400ha) là: Tả Đáy (gồm nguồn xả là các sông: Hồng, Nhuệ, Đáy); hữu Đáy (các sông: Tích, Bùi, Đáy) và Bắc Hà Nội (các sông: Hồng, Đuống, Cầu, Cà Lồ, Ngũ Huyện Khê). Tuy nhiên đến nay, mới có lưu vực sông Tô Lịch (rộng 7.750ha) – một trong 6 lưu vực thuộc vùng tả Đáy, được đầu tư hệ thống thoát nước cơ bản hoàn chỉnh, có thể bảo đảm tiêu thoát nước cho 8 quận nội thành với cường độ mưa 310mm/2 ngày.

Hà Nam – Linh Chi

Nguồn: Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường (https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-ty-le-nuoc-thai-duoc-thu-gom-xu-ly-thap-duoi-muc-ky-vong-64961.html)

Thứ tư, 09/03/2022 17:00 (GMT+7

 

Tin cùng chuyên mục: