Doanh nghiệp hướng tới phát triển xanh, bền vững

Nhằm mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc nắm bắt và tích hợp các chiến lược kinh doanh bền vững,… là những mục tiêu của Dự án hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ Công Thương và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) đang triển khai.

Ngày nay, phát triển bền vững là mục tiêu của hầu hết các quốc gia trên thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Để phát triển bền vững, có nhiều phương thức tăng trưởng đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững đã được thực hiện, trong đó có tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó, các doanh nghiệp được coi là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng nhất trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của quốc gia.

Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hạn chế về nguồn lực và kiến thức, do đó, để phát triển các hoạt động kinh doanh bền vững, họ cần được hỗ trợ trong việc giảm thiểu rủi ro môi trường và khí hậu, tăng hiệu quả tài nguyên và tính toàn diện của các mô hình kinh doanh để tham gia vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

Ở Việt Nam, chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến phát triển bền vững đã được chú trọng. Thực tế, dù còn nhiều thách thức về vốn đầu tư ban đầu, nhưng các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh có cơ hội lớn hơn trong thu hút vốn từ các nhà đầu tư, gia tăng lượng khách hàng.

Trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) thuộc tổ chức Liên Hợp quốc và WTO, nhằm mục tiêu tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu thông qua việc nắm bắt và tích hợp các chiến lược kinh doanh bền vững, Bộ Công thương và ITC đang triển khai một chuỗi chương trình hợp tác như: (i) “Thương mại vì sự phát triển bền vững” tại Việt Nam: (ii) SheTrades (Dự án hỗ trợ doanh nhân nữ thông qua nâng cao năng lực về thương mại điện tử; (iii) Dự án “Đối phó với hàng rào phi thuế quan – NTM” trong thương mại…

Hỗ trợ doanh nghiệp tìm hướng đi đúng cho sản phẩm với mục tiêu xanh, sạch, bền vững là việc cần thiết

Dự án “Thương mại vì sự phát tiển bền vững”, gồm 03 hợp phần chính: thứ nhất, Tập trung hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp, cung cấp các giải pháp bền vững thông qua các công cụ được thiết kế bài bản của ITC như tiêu chuẩn bền vững, bản đồ bền vững, mạng lưới bền vững… hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ và có những bước đi đúng cho sản phẩm của mình hướng đến tiêu chí xanh.

Thứ 2, hỗ trợ tìm kiếm, xác định, kết nối và hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh để triển khai các hoạt động bền vững. Thứ 3, hỗ trợ tiếp cận thị trường và định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Với 3 nội dung hoạt động được xác định dựa trên nhu cầu thực tế của doanh nghiệp Việt Nam, các tổ chức hỗ trợ thương mại/xúc tiến thương mại và doanh nghiệp sẽ dần tiếp cận, lĩnh hội các kiến thức và hướng dẫn cụ thể từ các chuyên gia.

Trong khuôn khổ Dự án, các T4SD Hub (Trung tâm T4SD) của ITC cung cấp các giải pháp tích hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thực hiện các hoạt động kinh doanh bền vững. Đặc biệt, các hỗ trợ kỹ thuật cho các DNNVV còn tập trung vào xây dựng năng lực và kiến thức từ đó giúp doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh bền vững thông qua các dịch vụ tập trung vào các khía cạnh chính như tiêu chuẩn bền vững, khả năng phục hồi khí hậu và hiệu quả tài nguyên.

Các Hub T4SD (Trung tâm T4SD) của ITC hướng đến cung cấp các giải pháp tích hợp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc thực hiện các hoạt động kinh doanh bền vững.

Đặc biệt, Đầu mối/Trung tâm T4SD tại Việt Nam, hiện được đặt tại Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương và cả 2 bên đã cùng lên kế hoạch triển khai các hoạt động nâng cao năng lực, mở rộng dịch vụ, hướng đến các kết quả cụ thể, gồm: Nâng cao nhận thức về phát triển bền vững, các tiêu chí bền vững tự nguyện (hữu cơ, UTZ, 4C, thương mại công bằng, vv); Tư vấn, hỗ trợ và nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong việc đạt được các chứng nhận bền vững (hữu cơ, UTZ, 4C, thương mại công bằng…); Kết nối với trademap, macmap, VSS map của ITC là nguồn công cụ do dự án T4SD phát triển nhằm kết nối thị trường cho doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tài chính xanh với các ngân hàng đã xây dựng các cơ chế trong khuôn khổ Dự án; Hỗ trợ giới thiệu công nghệ xanh từ EU vào Việt Nam nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm cũng như hỗ trợ kết nối sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài thông qua các sàn giao dịch.

 

Theo: Năng lượng Sạch Việt Nam

Tin cùng chuyên mục: