Có vị trí chuyển tiếp giữa các tỉnh phía Đông Bắc với các tỉnh Đồng bằng sông Hồng, lại được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh kỳ thú với những cánh rừng nguyên sinh và hệ động thực vật phong phú, Bắc Giang có nhiều điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Phong phú tiềm năng du lịch sinh thái
Cách thành phố Bắc Giang khoảng 50km về phía Đông Bắc, hồ Khuôn Thần (xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn) có diện tích 240ha, nằm giữa những cánh rừng thông, keo tai tượng, tràm. Tại khu vực lòng hồ có 5 đảo nhỏ như những chiếc bát úp nổi giữa làn nước trong xanh, tạo cho hồ Khuôn Thần một quang cảnh độc đáo. Đến với Khuôn Thần, du khách có thể dạo chơi trên hồ bằng thuyền, thăm các vườn cây ăn trái, thưởng thức đặc sản bản địa và đắm mình trong làn điệu soong hao, sli của dân tộc Nùng hay hát lượn của người Tày.
Rừng nguyên sinh Khe Rỗ nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (xã An Lạc, huyện Sơn Động), có diện tích 7.100ha, là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, bao gồm 43 loài có trong Sách đỏ Việt Nam như: Gấu ngựa, sơn dương, báo, tê tê… Thăm Khe Rỗ, du khách khám phá thiên nhiên hoang sơ tại hồ Vũng Tròn, suối Nước Vàng, rừng lim cổ thụ và tìm hiểu nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc ít người sinh sống tại đây.
Nếu như bản Đồng Cao (xã Thạch Sơn, huyện Sơn Động) được ví như Sa Pa, Tam Đảo bởi khí hậu quanh năm mát mẻ thì hồ Cấm Sơn (huyện Lục Ngạn) lại được mệnh danh là “Hạ Long trên núi”. Hồ có diện tích 2.600ha được bao bọc bởi những ngọn núi điệp trùng, tạo nên cảnh quan sơn thủy hữu tình. Đến với hồ Cấm Sơn, du khách thưởng thức tôm hồ, gà đồi, măng rừng, rượu Kiên Thành hấp dẫn khó quên…
Khai thác các giá trị địa phương
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng là một lợi thế lớn của Bắc Giang. Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho rằng: “Trước đây, Bắc Giang không có tên trên bản đồ du lịch Việt Nam, nhưng tỉnh đã xây dựng được các sản phẩm độc đáo trên cơ sở điều kiện sẵn có. Bắc Giang nay đã trở thành “miệt vườn” của miền Bắc với sản phẩm du lịch “Bắc Giang mùa trái ngọt”, thu hút lượng khách rất lớn đến tham quan các vùng trồng cây ăn quả đặc sản như vải thiều, bưởi, cam, ổi… Đó là cách phát huy tiềm năng, thế mạnh để tạo nên những sản phẩm đặc thù”.
Bắc Giang hiện cũng là điểm đến của nhiều du khách Hà Nội với trải nghiệm du lịch cộng đồng tại bản Ven (xã Xuân Lương, huyện Yên Thế). Sở hữu điều kiện khí hậu trong lành, mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên hữu tình, bản Ven hấp dẫn du khách còn bởi cách làm du lịch cộng đồng với nhiều trải nghiệm thú vị như: Hái, sao chè; vượt thác, leo núi, tránh nắng dưới tán rừng nguyên sinh, thưởng thức các món ăn độc đáo của dân tộc Cao Lan… Du khách Đỗ Quân Anh (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Trước giờ tôi vẫn nghĩ Bắc Giang chỉ có vải thiều, nhưng giờ mới biết nơi đây còn có nhiều điểm để khám phá. Du lịch sinh thái cộng đồng của Bắc Giang không hề kém các địa phương khác, thậm chí còn hấp dẫn hơn bởi sự hoang sơ, mộc mạc”.
Nhằm đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng, khai thác tối đa giá trị của địa phương, ông Lưu Xuân San, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến du lịch Bắc Giang cho biết: Trung tâm đang thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến điểm đến và phát triển du lịch cộng đồng tại xã Xuân Lương (huyện Yên Thế), xã An Lạc (huyện Sơn Động) và xã Thanh Hải (huyện Lục Ngạn). Tới đây, Trung tâm sẽ đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu khoa học với đề tài: “Nghiên cứu thực trạng, đề xuất giải pháp khai thác hạ tầng nông thôn mới và các sản phẩm OCOP cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang”, trong đó có việc xây dựng mô hình đón khách du lịch trải nghiệm tham quan vùng vải thiều, trái cây ở huyện Lục Ngạn.
Bên cạnh đó, Trung tâm cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch như: rượu làng Vân, dấm Kim Ngân, mật ong, mỳ Chũ, bánh đa Kế… nhằm xây dựng nhãn hiệu tập thể, phát triển sản phẩm, mang lại nguồn sinh kế cho cộng đồng. Đó là cách phát triển du lịch “xanh” bền vững tại Bắc Giang.
Tin cùng chuyên mục:
Giảm rác thải nhựa từ sáng kiến Công viên xanh, thân thiện môi trường
Nghệ An: Triển khai Kế hoạch Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia
Sơn La: Tăng cường bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm
Cần Thơ: Đề xuất đầu tư Nhà máy xử lý chất thải rắn số 2
Yên Bái: Kiểm soát chặt nguồn gây ô nhiễm không khí
Giữ nguyên diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải: Song hành phát triển kinh tế và môi trường
Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
Quảng Nam: Người dân hiến đất mở rộng hệ sinh thái sông Đầm
Kon Tum: Phấn đấu thu gom, xử lý trên 90% rác sinh hoạt
Lào Cai: Sẽ xây dựng 4 mô hình bảo vệ môi trường xử lý chất thải trong chăn nuôi
Kon Tum: Chủ động giám sát việc bảo vệ môi trường trong chăn nuôi
Bèo hoa dâu: “Bạn đồng hành” với cây lúa hữu cơ, giảm phát thải
Cần Thơ: Đề xuất phương án xử lý rác sinh hoạt phù hợp
Hà Nội cấp thiết phát triển vật liệu xây dựng xanh
Thị trường các-bon – Sức hút tăng giá trị của Việt Nam