Năm 2022, Uỷ ban Nhân dân huyện Côn Đảo (Bà Rịa- Vũng Tàu) đã ký cam kết tham gia mạng lưới Đô thị giảm nhựa, cùng hướng tới mục tiêu không còn rác thải (RTN) nhựa trong thiên nhiên, đưa Côn Đảo trở thành địa phương thứ 9 tham gia vào chương trình Đô thị giảm nhựa của cả nước.
Theo đó, UBND huyện Côn Đảo đã xây dựng kế hoạch đến năm 2025 và triển khai các hoạt động quan trọng hướng tới mục tiêu chung giảm thiểu tác động của rác thải nhựa đến các hệ sinh thái biển tại Côn Đảo.
Vấn nạn rác thải: Con số và kế hoạch hành động
Ước tính tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại Côn Đảo ước tính mỗi năm khoảng 4.000 tấn, trong đó có 634 tấn RTN, chiếm 15,86% (WWF-Việt Nam, 2021). Theo đó, trung bình mỗi người dân Côn Đảo phát thải gần 65kg rác thải nhựa (RTN) mỗi năm.
Các nguồn phát sinh RTN như: Hộ gia đình (42,7%), khách sạn (33,3%), nhà hàng (8,2%), chợ dân sinh (6,4%), nơi công cộng (6,4%), cảng cá (2,1%), cơ quan (0,8%).
Tỷ lệ thu gom RTN của Côn Đảo là 98%, trong đó 92% được thu gom bởi hệ thống dịch vụ công cộng, và 6% được thu gom qua các đơn vị/cá nhân thu mua và nhặt phế liệu.
Khối lượng RTN được thu gom cho vật liệu tái chế tại Côn Đảo là khoảng 52,2 tấn/năm, tương đương khoảng 8,2% lượng RTN phát sinh, trong đó chủ yếu nhờ vào hoạt động của hệ thống thu gom phi chính thức, bao gồm cả lượng rác thu gom từ các bãi lưu giữ tập trung.
Tỷ lệ RTN bị thất thoát ra môi trường của Côn Đảo là 5,1%; bao gồm 0,9% lượng RTN không được thu gom, 1,3% lượng RTN bị thất thoát từ hệ thống thu gom chính thức của ban quản lý, và 2,7% bị phát tán từ các bãi chôn lấp lộ thiên (Bãi Nhát) nằm ngay cạnh bờ biển. Tổng lượng RTN bị thất thoát trực tiếp ra môi trường tự nhiên (đất, nước, cống rãnh, hoặc bị đốt lộ thiên) là 32,4 tấn, trong đó hơn 50% lượng RTN thất thoát từ nguồn Bãi Nhát.
Ngoài ra, mỗi năm Côn Đảo có thêm khoảng 549,5 tấn RTN được lưu giữ tại bãi chôn lấp lộ thiên (Bãi Nhát), lượng RTN này vẫn đang tồn đọng trên đất, cạnh bờ biển có nguy cơ phát tán cao do không được áp dụng các biện pháp quản lý hợp vệ sinh.
Theo thống kê của UBND huyện Côn Đảo, RTN bị thất thoát ra môi trường Côn Đảo là 582 tấn, bao gồm 32,4 tấn bị thất thoát trực tiếp theo dòng quản lý từ nguồn phát sinh và hệ thống thu gom, và 549,5 tấn được lưu giữ ở Bãi Nhát.
Cán bộ kiểm lâm và du khách thể hiện trách nhiệm của mình với môi trường tại Vườn quốc gia Côn Đảo
Trước thực trạng trên, UBND huyện Côn Đảo đã ban hành Kế hoạch số 218/KH-UBND về quản lý rác thải nhựa trên địa bàn huyện Côn Đảo đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, UBND huyện xác định mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu xây dựng Côn Đảo trở thành điểm đến không RTN đầu tiên của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thông qua những việc cụ thể như:
*Loại bỏ hiệu quả RTN trong Khu bảo tồn biển để Côn Đảo trở thành huyện đảo tiên phong trong việc thực hiện các sáng kiến và cam kết về giải quyết ô nhiễm RTN tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
*Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn thông qua công tác tăng cường hoạt động phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế RTN một cách hiệu quả phù hợp với các chính sách và kế hoạch hành động hiện có của tỉnh và quốc gia về quản lý RTN.
*Tăng cường ứng dụng các giải pháp kỹ thuật số trong công tác quy hoạch, thiết kế, vận hành và giám sát hệ thống quản lý CTR sinh hoạt nhằm giảm thiểu thất thoát RTN từ các nguồn phát sinh trên địa bàn huyện.
*Tăng cường hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức về RTN nhằm thay đổi hành vi và thói quen của cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp và các tổ chức về việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
Côn Đảo đặt ra mục tiêu (giai đoạn 2022-2023) giảm 30% lượng RTN thất thoát tại huyện Côn Đảo so với năm 2020. Cụ thể:
Xây dựng và hoàn thiện được cơ chế quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói chung và RTN nói riêng trên địa bàn huyện Côn Đảo; Giảm 5 – 10% nhựa dùng một lần phát sinh từ đầu nguồn thải thông qua việc xây dựng chính sách quy định và các hoạt động truyền thông, khuyến khích thực hành hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đồng thời, tăng thêm 1% tỷ lệ tái sử dụng và tái chế rác thải tại nguồn thông qua thiết lập hệ thống phân loại rác tại nguồn và thúc đẩy các hoạt động thu gom, tái chế rác thải; Giảm khoảng 25% (tương đương 8 tấn/năm) lượng RTN thất thoát ra môi trường thông qua hoạt động tăng cường thu gom và xóa các điểm tập kết rác tự phát; Giảm thiểu ô nhiễm RTN đại dương thông qua hoạt động làm sạch và giám sát định kỳ bãi biển, rừng ngập mặn và rạn san hô.
Ghi nhận một số hoạt động giảm RTN
Một số chương trình Triển lãm “Du hí biển nhựa” kết hợp với “Ngày hội đổi rác lấy quà” tại Trụ sở Phòng TN&MT huyện Côn Đảo được tổ chức, gồm các gian hàng sản phẩm tái chế từ rác thải nhựa đại dương của các trường mầm non trên địa bàn huyện và nhóm Trash2Art, gian hàng trưng bày sản phẩm thân thân thiện với môi trường được giới thiệu đến đông đảo khách thăm quan, và các tranh, ảnh và thông tin cập nhật về ảnh hưởng của rác thải nhựa đến sinh vật và môi trường đại dương cũng được giới thiệu sinh động trong triển lãm giúp người xem có được nhiều thông tin hữu ích về ảnh hưởng của rác thải nhựa đến môi trường và đời sống.
Song song với đó là các trò chơi liên quan đến thời gian phân hủy của rác thải nhựa trong môi trường cũng được giới thiệu trong triển lãm và thu hút đông đảo người dân tham gia.
Truyền thông về giảm nhựa tại chợ Côn Đảo theo đề án “Côn Đảo – Nói không với túi ni lông – Hướng đến mục tiêu không rác thải nhựa” tại Chợ Côn Đảo có sự hỗ trợ của Ban Quản lý (BQL) chợ Côn Đảo thông qua các hoạt động như: Viết phấn các thông điệp sáng tạo trên bảng đen để thuyết phục người mua; ký cam kết giảm đưa túi ni-lông cho khách; giới thiệu quầy ký gửi giỏ xách để giảm thiểu việc sử dụng túi ni lông khi đến mua hàng tại chợ. Xác định học sinh là một trong những đối tượng quan trọng cần được giáo dục các kiến thức về RTN và xây dựng thói quen tốt phân loại rác tại nguồn và giảm nhựa cho thế hệ tương lai, UBND huyện đã chỉ đạo lồng ghép chủ đề về ô nhiễm RTN vào nội dung giáo dục ở các cấp học thông qua các bộ tài liệu và tập huấn cho giáo viên, học sinh. 180 giáo viên đến từ 6 trường học trên toàn địa bàn Côn Đảo về rác thải nhựa và hướng dẫn cách xây dựng Kế hoạch hành động cho mô hình Trường học Không rác thải Nhựa.
Trong năm học 2021-2022, mỗi trường thực hiện được 10 đợt nhặt hoặc thu gom các loại chai, lọ nhựa, vỏ hộp xốp, ống hút và thìa nĩa nhựa để làm vật liệu tái chế đồ chơi, vật phẩm trang trí và đồ dùng học tập trong trường học.
Năm học 2022-2023, UBND huyện Côn Đảo chỉ đạo tiếp tục triển khai mô hình Trường học giảm nhựa tại 3 trường học còn lại trên địa bàn huyện, bao gồm trường Tiểu học Cao Văn Ngọc, trường THCS Lê Hồng Phòng và trường THPT Võ Thị Sáu.
Nỗ lực xây dựng mô hình huyện đảo xanh, sạch, đẹp
UBND huyện Côn Đảo tiếp tục triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn bằng các hoạt động như: Trang bị thiết bị lưu chứa, thu gom, vận chuyển rác thải; xử lý ủ phân compost từ rác thải hữu cơ sau phân loại;
Thí điểm mô hình Tổ sản xuất sản phẩm thủ công mây tre đan thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần cho hội viên Hội phụ nữ huyện;
Lựa chọn và tiếp tục nhân rộng mô hình Khu dân cư xanh – giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần; mô hình “Côn Đảo nói không với túi ni-lông” tại chợ Côn Đảo;
Thực hiện các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa cho cơ sở kinh doanh – dịch vụ; trường học, cảng Bến Đầm;
Giảm thiểu ô nhiễm RTN đại dương thông qua hoạt động làm sạch và giám sát định kỳ bãi biển và rạn san hô.
Ngọc Diệp – Tạp chí Tài nguyên và Môi trường
Link nguồn: https://tainguyenvamoitruong.vn/con-dao-huong-den-muc-tieu-tro-thanh-do-thi-giam-nhua-cid17489.html
Tin cùng chuyên mục:
Thỏa thuận xanh châu Âu: Cơ hội và thách thức
Tích hợp công nghệ quản lý rác nhựa ven biển
Từ Sơn (Bắc Ninh): Triển khai phân loại rác sinh hoạt tại nguồn
Tân Yên (Bắc Giang): Tập trung đảm bảo công tác vệ sinh môi trường xuân Ất Tỵ 2025
Quảng Nam: Thu gom được 7 tấn dầu vón cục trôi dạt vào bờ biển
ên Bái: Phát triển sản xuất gắn với trách nhiệm bảo vệ môi trường
Bữa ăn “xanh” cho Trái đất sạch
Quảng Ninh: Sẽ tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng các ngày lễ môi trường
Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030
Thanh Hóa: Cá chết hàng loạt ở suối Cổ Đam
Hà Nội: Chuẩn bị nguồn lực để áp dụng phân loại rác tại nguồn
Lào Cai: Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ các loài hoang dã
Bến Tre: Tăng cường bảo vệ môi trường trong dịp Tết
Hành trình khởi tạo môi trường xanh
Hà Nội: Ô nhiễm không khí chạm mức nguy hiểm
Bao bì kẹo cao su và một số đồ uống đóng chai không phải thực hiện tái chế